Cơn sốt ChatGPT quét qua Trung Quốc, nhiều “đại gia” công nghệ không thể đứng yên

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mặc dù công ty OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đã hạn chế người dùng Trung Quốc tiếp cận ứng dụng ChatGPT nổi tiếng của mình, nhưng ứng dụng này vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn ở “đất nước tỉ dân”. Các công ty Trung Quốc đang gấp rút tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của họ, cũng như tung ra các giải pháp cạnh tranh.

Cơn sốt ChatGPT tại Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters, mặc dù người dùng tại Trung Quốc không thể tạo tài khoản OpenAI để truy cập chatbot hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT, các mạng riêng ảo và số điện thoại bên ngoài Trung Quốc đang giúp một số người vượt qua những hạn chế đó.

Đồng thời, các thuật toán của OpenAI đằng sau công cụ ChatGPT, có thể viết bài luận, công thức nấu ăn và lập trình... tương đối dễ tiếp cận ở Trung Quốc và ngày càng được tích hợp nhiều vào các ứng dụng công nghệ tiêu dùng của nước này, từ mạng xã hội đến mua sắm trực tuyến.

Theo các nhà phân tích, sự phổ biến ngày càng tăng của công cụ này đang nhanh chóng nâng cao nhận thức ở Trung Quốc về mức độ tiên tiến của AI Mỹ, và các công ty công nghệ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tụt hậu bao xa so với Mỹ.

photo1676357606880-16763576069781905357214-1676422484978-1676422485109856502328.jpg

Ding Daoshi - Giám đốc công ty tư vấn internet Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết: “Có rất nhiều sự phấn khích xung quanh ChatGPT. Không giống như Metaverse gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm ứng dụng trong đời thực, ChatGPT đã bất ngờ giúp chúng ta có được sự tương tác giữa người và máy tính. Những thay đổi mà nó mang lại diễn ra ngay lập tức, trực tiếp và nhanh hơn rất nhiều.”

Bản thân OpenAI hay ChatGPT không bị Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn, nhưng OpenAI không cho phép người dùng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Iran, Nga và một số khu vực tại châu Phi đăng ký sử dụng.

OpenAI nói với Reuters rằng họ đang làm việc để cung cấp dịch vụ của mình rộng rãi hơn.

“Mặc dù chúng tôi muốn cung cấp công nghệ của mình ở mọi nơi, nhưng các điều kiện ở một số quốc gia khiến chúng tôi gặp khó khăn, hoặc không thể thực hiện điều đó theo cách phù hợp với sứ mệnh của mình. Chúng tôi hiện đang nỗ lực để tăng số lượng địa điểm nơi chúng tôi có thể cung cấp quyền truy cập an toàn và có lợi cho các công cụ của mình”, công ty có trụ sở tại San Francisco cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.

Theo truyền thông Trung Quốc, vào tháng 12/2022, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc WeChat của Tencent đã chặn một số ứng dụng liên quan đến ChatGPT xuất hiện trên mạng, nhưng chúng vẫn tiếp tục xuất hiện.

Hàng chục chatbot được trang bị công nghệ ChatGPT đã xuất hiện trên WeChat, và mọi người có thể dùng chúng để lập trình hoặc tạo ra tài khoản tự động có thể tương tác với người dùng. Phí sử dụng tối thiểu là 9,99 Nhân dân tệ (khoảng 35.000 VNĐ) để đặt 20 câu hỏi.

Tencent đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Cơn sốt ChatGPT quét qua Trung Quốc, nhiều “đại gia” công nghệ không thể đứng yên - Ảnh 2.

Theo Reuters, các công ty Trung Quốc cũng dùng các công cụ “vượt tường lửa” hoặc tận dụng quan hệ đối tác hiện có với Microsoft - công ty đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI - để truy cập các công cụ cho phép họ nhúng công nghệ AI vào sản phẩm của mình.

Tháng 12/2022, công ty Proximai có trụ sở tại Thâm Quyến đã giới thiệu một nhân vật ảo trong ứng dụng mạng xã hội giống trò chơi 3D của mình; nhân vật này sử dụng công nghệ lõi của ChatGPT để trò chuyện.

Công ty phần mềm giải trí Kunlun Tech có trụ sở tại Bắc Kinh đang có kế hoạch kết hợp ChatGPT trong trình duyệt web Opera của mình.

SleekFlow - một công ty khởi nghiệp do Tiger Global hậu thuẫn ở Hồng Kông - cho biết, họ đang tích hợp AI vào các công cụ nhắn tin với khách hàng của mình. Henson Tsai - người sáng lập SleekFlow - nói: “Chúng tôi có khách hàng trên khắp thế giới. Giữa rất nhiều giải pháp, ChatGPT thực hiện các bản dịch rất xuất sắc, đôi khi tốt hơn các giải pháp khác hiện có trên thị trường.”

Cơn sốt ChatGPT quét qua Trung Quốc, nhiều “đại gia” công nghệ không thể đứng yên - Ảnh 3.
Baidu cho biết sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ “Ernie Bot” vào tháng 3 tới.​

Những đối thủ đến từ Trung Quốc

Theo Reuters, trong cuộc đua về AI không thể thiếu những “gã khổng lồ” công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như Baidu và Alibaba. Trong tuần qua, những công ty này đã thông báo tin tức cập nhật về các mô hình AI mà họ đang nghiên cứu, khiến cho giá trị cổ phiếu của những công ty này tăng vọt.

Vào tuần trước, Baidu cho biết, họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ “Ernie Bot” vào tháng 3 tới, một chatbot AI mà công ty tìm kiếm này đã nghiên cứu và phát triển từ năm 2019.

Ngày 8/2, Alibaba cho biết, viện nghiên cứu Damo Academy của họ cũng đang thử nghiệm một công cụ giống như ChatGPT.

Duan - người có công ty đang sử dụng một chatbot AI của Baidu có tên là Plato để xử lý ngôn ngữ tự nhiên - cho biết, ChatGPT mạnh hơn ít nhất một thế hệ so với các giải pháp hiện tại của Trung Quốc, mặc dù nó yếu hơn ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như hiểu về ngữ cảnh hội thoại.

Baidu đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Quyền truy cập vào GPT-3, hay Generative Pre-training Transformer của OpenAI, một bản cập nhật được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020, là xương sống của ChatGPT.

Duan cho biết, các rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn có thể khiến các công ty Trung Quốc thay thế ChatGPT bằng một giải pháp trong nước, nếu chúng tương đồng về chức năng so với sản phẩm do Mỹ phát triển.

“Vì vậy, chúng tôi thực sự hy vọng rằng có thể có các giải pháp thay thế ở Trung Quốc mà chúng tôi có thể trực tiếp sử dụng... nó có thể xử lý tiếng Trung Quốc tốt hơn nữa, và nó cũng có thể tuân thủ các quy định tốt hơn”, Duan nói.

Theo Genk​
 
Bên trên