Còn lâu mới có ứng dụng giả lập PC trên iOS

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Dù đã "mở cửa" cho các ứng dụng giả lập game cổ điển, Apple vẫn từ chối hai ứng dụng giả lập PC là iDOS 3 và UTM SE. Quyết định này cho thấy "ông lớn" công nghệ vẫn chưa thực sự cởi mở với các ứng dụng giả lập trên nền tảng iOS.

Apple dường như đã "mở cửa" cho các ứng dụng giả lập game cổ điển trên App Store, tuy nhiên, trong tháng này, công ty đã từ chối hai ứng dụng giả lập PC là iDOS 3 và UTM SE. Theo đó, Apple cho biết hai ứng dụng này đã vi phạm điều khoản 4.7 trong bộ Quy định đánh giá ứng dụng, vốn là điều khoản cho phép các ứng dụng giả lập game cổ điển tồn tại.

UTM SE là ứng dụng cho phép người dùng giả lập các hệ điều hành như Windows trên iOS. Trong khi đó, iDOS 3 là phiên bản mới của trình giả lập DOS phổ biến. Apple cho biết lý do từ chối iDOS 3 là vì "ứng dụng cung cấp chức năng giả lập nhưng không phải là giả lập một máy chơi game cổ điển một cách cụ thể. Chỉ các trình giả lập của máy chơi game cổ điển mới phù hợp với nguyên tắc 4.7". Chia sẻ với The Verge, lập trình viên Chaoji Li của iDOS 3 cho biết: "Khi tôi hỏi những thay đổi nào tôi nên thực hiện để tuân thủ, họ không biết, và khi tôi hỏi máy chơi game cổ điển là gì, họ cũng không biết. Đó vẫn là câu trả lời cũ kỹ và vô lý 'chúng tôi sẽ biết khi chúng tôi nhìn thấy'".

236794iphone15propromaxvpa-17192908831341748451664.png

Phía UTM cũng đăng tải về việc ứng dụng của họ bị từ chối trên X: "Hội đồng đánh giá App Store xác nhận rằng 'PC không phải là máy chơi game' bất kể thực tế là có các game Windows / DOS cổ điển mà UTM SE có thể hữu ích trong việc vận hành". UTM cho biết thêm rằng Apple đang chặn UTM SE khỏi việc được công chứng cho các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba vì ứng dụng này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc 2.5.2. Nguyên tắc này yêu cầu các ứng dụng phải độc lập và không thể thực thi mã "giới thiệu hoặc thay đổi các tính năng hoặc chức năng của ứng dụng, bao gồm cả các ứng dụng khác".

Thông thường, Apple không cho phép biên dịch JIT (biên dịch tức thời). Tuy nhiên, UTM cho biết UTM SE không bao gồm biên dịch JIT. Điều này khiến cho quyết định của Apple càng trở nên khó hiểu. Trong một bài đăng tiếp theo, UTM cho biết Apple đã làm rõ rằng nguyên tắc 4.7, cho phép các ứng dụng cung cấp "một số phần mềm nhất định không được nhúng trong mã nhị phân", là "một ngoại lệ chỉ áp dụng cho các ứng dụng App Store" nhưng không phải là ngoại lệ mà UTM SE đủ điều kiện.

Phía Apple đã không phản hồi về yêu cầu bình luận của The Verge.

Quyết định của Apple một lần nữa cho thấy các nhà phát triển đang "nằm trong tay" của "ông lớn" công nghệ. Li cho biết trong một email: "Nói tóm lại, với tư cách là người tạo ra quy tắc duy nhất và là người thực thi trong hệ sinh thái iOS, họ không cần phải nhất quán chút nào". Về phía UTM, công ty cho biết họ sẽ không tiếp tục đấu tranh để đưa UTM SE lên App Store vì họ cho rằng ứng dụng này "là một trải nghiệm kém cỏi và không đáng để đấu tranh".

Việc Apple "mở cửa" cho các ứng dụng giả lập game cổ điển vào tháng 4 được cho là động thái đáp trả sự giám sát chống độc quyền. Trước đó, vào tháng 3, hãng cũng đã ra mắt hỗ trợ cho các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba tại EU để tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.

Theo Genk
 
Bên trên