Mặc dù tất cả đều quý trọng âm nhạc, nhưng có một điều nghịch lý, hầu hết những nhạc công đều không có dàn âm thanh “hẳn hoi” để thưởng thức hay giải trí. Bạn đang tự hỏi, liệu các nhạc công của chúng ta sẽ nghe nhạc bằng cách nào? Tất nhiên đó không phải là dàn âm thanh tiền tỉ, mà phải là dàn stereo trong xe ô tô, dàn âm thanh máy tính hay đơn giản chỉ là những chiếc tai nghe - đôi khi có giá rất rẻ. Hầu hết sẽ không có đầu đọc đĩa than, đầu đọc đĩa CD, hay loa. Cũng dễ hiểu thổi, các nhạc công không phải là những người giàu có (trừ những người quá nổi tiếng), số tiền mà họ kiếm được chủ yếu tập trung để sắm sửa các nhạc cụ đắt tiền. Tuy nhiên, điều này thật khó chấp nhận, bởi nếu không được thưởng thức những âm thanh đến từ các thiết bị đúng nghĩa, họ sẽ khó mà đánh giá được chất lượng của những bản ghi âm mà mình đã tạo ra. Theo Steve Guttenberg, một biên tập viên và cũng là một audiophile nổi tiếng, thì những người vừa là nhạc công, vừa là audiophile là rất hiếm. Mặc dù thỉnh thoảng ông cũng gặp. Một trong những cái tên hiếm hoi là nghệ sĩ kèn trumpet Jon Faddis. Steve Guttenberg đã từng đến nhà nhạc sĩ này và nghe một vài bản thu âm của huyền thoại trumpet Dizzy Gillespie. Giàn âm thanh ở đó là rất ổn và chủ nhân cũng là người biết quý trọng âm thanh. Tuy nhiên, “phần còn lại của thế giới” - phần chiếm đa số - chính là những nhạc sĩ suốt ngày chỉ biết tập trung vào các nhạc cụ, và làm mọi cách để nhạc cụ trở nên tốt nhất, nổi bật nhất. Họ ít khi quan tâm đến chất lượng âm thanh của tác phẩm. Trong một buổi thu âm nhạc Jazz, Steve Guttenberg đã rất thất vọng khi thấy một tay trống tỏ ra mất kiên nhẫn với các kỹ sư âm thanh, bởi những người này đang cố gắng tối ưu âm thanh phát ra cho... một nhạc cụ có tuổi đời hơn 200 năm. Sau hơn 10 phút, tay trống đã đề nghị các kỹ sư sử dụng một pickup (thường thấy trên đàn ghita) để gắn vào bộ trống, thay vì mất thời gian vào việc gắn micro cho nó. Tuy nhiên, thật may là các kỹ sư đã không đồng tình với việc đó, bởi họ không chấp nhận việc người nghe sẽ phải thưởng thức tiếng của một chiếc trống tuyệt vời thông qua bộ pickup rẻ tiền. Steve Guttenberg cũng rất sửng sốt với ý tưởng táo bạo của tay trống. Nghĩ sao khi có người dám chi ra hàng trăm ngàn USD chỉ để mua một cặp loa và nghe tiếng trống đó một cách chân thật nhất. Hầu hết những nhạc công mà chúng ta thấy đều chỉ tập trung vào giai điệu. Họ luôn tìm mọi cách để giai điệu trở nên hài hòa hơn, nhưng lại không bao giờ quan tâm đến chất lượng âm thanh. Phải chằng, đối với họ, âm nhạc không phải là âm thanh? Một số nhạc sĩ hiện nay sở hữu hệ thống studio ở nhà, tuy nhiên, có rất ít hệ thống studio tại gia (thậm chí là chuyên nghiệp) có âm thanh đạt chuẩn của audiophile. Các studio này thường được trang bị loa monitor chuyên nghiệp cỡ lớn, giúp cho người nghe có thể cảm nhận được âm thanh một cách chi tiết nhất. Mặc dù đó có thể là do yêu cầu công việc, nhưng nên nhớ có rất ít audiophile hiện nay đang chơi loa monitor. Mặc dù, loa monitor có thể rất to, rất đắt nhưng có rất nhiều loa audiophile cũng to và đắt không kém. Vậy tại sao những người sáng tạo ra âm nhạc - và cả âm thanh nữa - lại thưởng thức tác phẩm của họ bằng loa monitor, trong khi những người nghe tiềm năng nhất lại thưởng thức bằng loại loa khác. Sự thật là có rất nhiều các kỹ sư âm thanh hiện nay đang nghe nhạc và test nhạc thông qua các thương hiệu audiophile danh tiếng như Bowers & Wilkins hay Wilso. Loa audiophile có thể thay thế được cho loa monitor chuyên nghiệp, tuy nhiên, gần như không có loa monitor chuyên nghiệp nào lại có thể thay thế được loa audiophile. Vẫn có rất nhiều nghệ sĩ thưởng thức các tác phẩm âm nhạc mà không qua tâm đến chất lượng âm thanh. Trong khi có rất nhiều audiophile lại chi tiền ra thật nhiều chỉ để được thưởng thức các tác phẩm đó một cách chất lượng nhất. Phải chăng các nhạc sĩ đã đánh mất đi thứ quý giá nhất của âm nhạc - sự chân thật. Theo CNET |