Cô đơn có thể khiến người lớn tuổi bị "nghiện Internet"

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
“Nghiện Internet” từng là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những thanh niên trẻ tuổi suốt ngày “dán mắt” vào màn hình xem video hoặc chơi game online. Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều người cao tuổi cũng trở thành nạn nhân của sản phẩm công nghệ, theo tờ Yinchuan Evening News đưa tin.

hd.png

Những người nghỉ hưu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc học cách sử dụng điện thoại thông minh (ảnh: Zhou Gukai ).

Một người phụ nữ họ Vương đến từ thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc, gần đây đang phải trải qua một giai đoạn đáng lo ngại. Một buổi sáng khi đến văn phòng, cô để ý thấy cuộc gọi nhỡ từ mẹ mình.

Khi gọi lại, Wang đã rất ngạc nhiên khi biết rằng mẹ cô chỉ muốn lấy bộ sạc điện thoại mà cô đã cầm nhầm đến văn phòng. Wang vội vã về nhà và ngạc nhiên khi biết rằng điện thoại của mẹ cô vẫn còn 70% pin nhưng vẫn sợ rằng nó sẽ hết pin vào một lúc nào đó. Wang sau đó nhận ra mẹ mình bị nghiện smartphone.

Gần đây khi cảm thấy chóng mặt, mẹ của Wang đã đi kiểm tra sức khỏe và được chẩn đoán bị biến dạng cột sống cổ, cũng như suy giảm thị lực.

Bà dành 8 giờ mỗi ngày để chơi game, xem tin tức và clip ngắn trên mạng. Và đây chỉ mới là một ví dụ trong số rất nhiều người cao tuổi Trung Quốc đang coi smartphone là vật bất ly thân của mình.

Theo một báo cáo về việc sử dụng Internet của người cao tuổi Trung Quốc do công ty Qutoutiao thực hiện vào năm ngoái, 38,6% số người từ 60 tuổi trở lên có sử dụng internet, và khoảng 0,2% trong số đó dành ít nhất 10 giờ mỗi ngày trực tuyến.

Các chuyên gia y tế cho biết việc lạm dụng điện thoại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa đốt sống cổ và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Ngoài các vấn đề về sức khỏe, chứng nghiện điện thoại cũng làm nảy sinh những bất hòa trong gia đình.

“Mẹ tôi bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh cách đây 3 năm. Giờ đây, bà ấy quay video clip mỗi ngày và thường thức khuya dùng điện thoại. Bà phớt lờ mỗi khi tôi đề cập đến vấn đề này và đôi khi còn nỗi nóng”, một phụ nữ họ Zhao cho hay.

Một người đàn ông khác họ Ma cho biết: “Kể từ khi cha tôi cài đặt một ứng dụng shopping trên điện thoại, ông ấy đã trở thành một người nghiện mua sắm. Mỗi ngày đều có những bưu kiện được chuyển đến nhà của chúng tôi. Nhưng nhiều thứ ông mua chỉ là hàng giảm giá và kém chất lượng”. Ma đã khuyên bố mình giảm thời lượng sử dụng điện thoại nhưng vô ích.

Wei Junping, một nhà tư vấn tâm lý, nói rằng việc sử dụng smartphone nhiều có liên quan đến lượng thời gian rảnh rỗi của người lớn tuổi sau khi nghỉ hưu, cũng như mong muốn có thể tiếp xúc với những người khác của họ.

“Sau khi nghỉ hưu, một số người cao tuổi ít có cơ hội giao lưu với mọi người xung quanh và dễ rơi vào khoảng trống tâm hồn của sự cô đơn”, Wei nói và cho biết đối với nhiều người về hưu thì smartphone là cách tốt nhất để họ giết thời gian.

Người cao tuổi tương tác với bạn bè thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat, điều này khiến họ cảm thấy được kết nối, trong khi các nền tảng chia sẻ video ngắn như Douyin khơi gợi sự tò mò của họ.

Wei cho biết mặc dù việc người cao tuổi cố gắng thỏa mãn cảm xúc của họ là một nhu cầu rất tự nhiên, tuy vậy họ nên cố gắng hạn chế thời gian sử dụng smartphone và đảm bảo được nghỉ ngơi giữ sức khỏe vào ban đêm.

Về phần mình, con cái nên về thăm các bậc sinh thành thường xuyên hơn để giúp họ vơi đi nỗi cô đơn và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động lành mạnh nhằm làm phong phú thêm cuộc sống.

Theo VN review​
 
Bên trên