Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Globe and Mail tại trụ sở chính mới đây, chủ tịch Huawei tái khẳng định quan điểm và lập trường cho rằng, Huawei không làm hại bất kỳ một quốc gia nào như những cáo buộc của giới chức phương Tây.
Khi được hỏi về những lo ngại cho rằng phản ứng dữ dội của hãng sẽ làm mất sự cân bằng công nghệ và tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia sử dụng sản phẩm của Trung Quốc và phương Tây, chủ tịch Huawei, ông Liang Hua (Lương Hoa) khẳng định: "Sự phân chia công nghệ giữa các quốc gia có ý thức hệ khác nhau sẽ không đem lại ích cho nhân loại và tiến bộ công nghệ".
Một trong những tiến bộ công nghệ mà Huawei đang theo đuổi đó là mạng 5G. Hãng đã đạt được thỏa thuận xây dựng mạng 5G tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên kể từ khi Mỹ cáo buộc Huawei liên quan đến rủi ro an ninh quốc gia, đã có nhiều nước trên thế giới lên kế hoạch cấm cửa Huawei, trong đó có Canada, Đức, Nhật Bản, Anh, Ba Lan. Trước đó, Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh như Úc và New Zealand ra quyết định cấm Huawei xây dựng mạng 5G. Đây đều là các quốc gia trong mạng lưới an ninh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn).
Ông Liang đã kiêm thêm vai trò giám đốc tài chính của Huawei trong thời gian vừa qua sau khi con gái sáng lập gia Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12/2018. Bà Mạnh bị bắt giữ theo lệnh của Washington và có khả năng sẽ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử trong trong thời gian tới.
Bà Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc âm mưu lừa đảo các ngân hàng toàn cầu để che đậy hành vi giao dịch với các công ty Iran, quốc gia đang phải chịu lệnh từng phạt kinh tế đơn phương của Mỹ. Ông Liang cho rằng, các quốc gia nên thận trọng khi đưa ra quyết định và không nên dựa trên động cơ chính trị để làm hại một công ty nào đó.
Kết thúc phỏng vấn, ông Liang cũng phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng, Huawei là gián điệp của chính phủ Trung Quốc với nhiệm vụ do thám các quốc gia khác thông qua thiết bị mạng. Ông Liang khẳng định, Huawei là công ty tư nhân và không thuộc sở hữu hoặc có mối liên hệ với chính phủ. Đồng thời Huawei luôn tuân thủ luật pháp tại các quốc gia sở tại nơi công ty có mặt.
Mặc dù vậy luật tình báo của Trung Quốc có ghi, các công ty của nước này phải hỗ trợ tối đa cho hoạt động tình báo của quốc gia khi cần thiết. Chính phủ nước này cũng có quyền yêu cầu các hãng viễn thông phải cung cấp công cụ giải mã cho các cơ quan ninh quốc gia.
Có lẽ bởi những chính sách như vậy nên giới chức phương Tây mới bày tỏ sự lo ngại với công nghệ của Huawei.
Theo Vn review