Ðề: Chơi Vơi : từ 13/11/2009
Baì review từ FB của Minh Red Nguyen
Chơi vơi' – cuộc du hành, tìm kiếm một góc nhìn công bằng, của những mẩu suy nghĩ
Chia sẻ
1. Sản phẩm nghệ thuật, có thể khác với sản phẩm tiêu dùng, như xà bông, dầu gội, nước hoa ... ở chỗ: người tiếp nhận, cần có nền tảng kiến thức, để tận hưởng trọn vẹn 'tính năng' của nó.
Ví dụ: nước hoa Chanel No. 5, tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Người tiêu dùng không cần phải có kiến thức, để có thể áp dụng mùi thơm đặc trưng này lên bản thân mình (họ chỉ cần có tiền để mua 1 lọ Chanel No. 5).
Mặt khác, một bộ phim, ví dụ, của Jean Luc Godard, mang danh là đột phá, xây dựng nên Làn sóng Pháp mới. Người 'tiêu dùng' lúc này, là khán giả, có lẽ, cần tích lũy cho mình kiến thức, để lí giải được tính 'đột phá', để giải thích được vai trò 'xây dựng nên Làn sóng Pháp mới', để từ đó, họ/khán giả, có thể trân trọng hơn, những thước phim, có vẻ quái dị của Godard (kỹ thuật máy cầm tay, kỹ thuật dựng 'jump cut', khác biệt so với những phim cùng thời).
2. Lại nói về Chanel No. 5: Nicole Kidman quảng bá cho loại nước hoa này. Người ta, có thể viết: đây là loại nước hoa siêu sao. Số đông, sử dụng loại nước hoa này, giống như đeo một loại 'trang sức'. Họ có thể, cảm thấy, vị trí xã hội của họ, được đẩy lên cao hơn. Giá trị của nước hoa Chanel No.5, với sự đồng lòng của số đông, được khẳng định là cao cấp (dù bản thân nó không biến người thường, thành Nicole Kidman).
Một bộ phim của Godard, được quảng bá là phá cách, sáng tạo. Người ta, có thể viết: đây là bộ phim đột phá. Số đông, sau khi cố gắng ướm loại 'trang sức' này, cho rằng: nó không phù hợp, nó kệch cỡm và nó dị biệt. Nói một cách khác, số đông, cho rằng, bộ phim của Godard, không hoàn thành nhiệm vụ của một thứ trang sức: nó không nâng vị trí xã hội, của những người 'đeo' nó, lên một tầm cao mới. Giá trị 'cao cấp' của phim Godard, do đó, bị thách thức.
Thật ra, phim của Godard, không phải là một thứ trang sức.
Một tác phẩm nghệ thuật, giống một tấm gương: người ta đứng trước nó, để thấy mình, để biết mình đang có gì, cần thêm những gì, để hoàn thiện hơn. Giá trị của phim Godard, chỉ được thấy, khi khán giả, có ý thức, về vai trò 'cái gương' của tác phẩm. Nói một cách khác, điều kiện cần, để xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, là số đông, nhưng điều kiện đủ, là sự đồng đều trong khả năng nhận thức của số đông đó.
3. Phim 'Chơi vơi', có cấu trúc, như một bài luận.
Mở bài, thể hiện luận đề: sự bất lực của nam giới trong xã hội, bằng chuỗi hình ảnh miêu tả sự thất bại của những người đàn ông: Hải dùng rượu để chứng minh sức mạnh nam giới, nhưng cũng chính rượu, đã khiến Hải không thể thực hiện chức năng của một người đàn ông, trong đêm tân hôn. Mặt khác, trong gia đình Hải, nguồn nhân lực chính, là bà mẹ và đứa em gái. Các bậc đàn ông - Hải và những đứa em trai, đều là những kẻ phụ thuộc.
Lời dẫn nhập, còn được hỗ trợ, bởi các chi tiết dàn dựng, ví dụ: căn nhà cổ cũ kỹ, là cái nôi, là cội nguồn hình thành nên nhân vật và hoàn cảnh phim; hoặc, cách sắp xếp bố cục khung hình, ví dụ: Hải, ngồi trong xe, làm tiền cảnh, đằng sau, ngay điểm mạnh khung hình, là hình ảnh đứa em trai, có lẽ vài chục năm nữa sẽ giống như Hải (nhưng giờ, chỉ dám tò mò, đứng ngoài dòm vào).
Tiếp đến, thân bài, dùng hành động chuyển nhà của Hải và Duyên, như công cụ, để mở rộng việc bàn luận. Sự thay đổi về khung cảnh, tạo thêm cơ hội kiểm chứng cho các luận điểm. Các nhân vật mới cũng dần xuất hiện.
Thật ra, các nhân vật chính, đều đã được cài đặt, nằm ở các cực khác nhau:
Cầm, tóc ngắn, cộc cằn, bệnh tật >< Duyên, tóc dài, dịu dàng, hừng hực sức sống;
Hải, ngây thơ, rụt rè, dậy thì muộn >< Thổ, ranh ma, quyết liệt, già đời.
Mỗi nhân vật chính, lại được hỗ trợ bởi một nhân vật phụ:
Cầm ↔ mẹ ruột: luôn tin con mình vẫn đang là một người phụ nữ, đầy đủ, vẹn toàn, nhưng thật ra, Cầm không phải như vậy.
Duyên ↔ người mẹ chồng: tuổi mãn kinh, không có bóng dáng đàn ông bên cạnh, chỉ còn biết hướng sự quan tâm vào những đứa con (có lẽ, đây sẽ là hình ảnh của Duyên, vai mươi năm sau)
Hải ↔ cô gái nhí nhảnh sống cùng khu nhà: cặp đôi tương xứng với Hải. Có thể, cô ta sẽ giúp Hải, từ cậu bé, trở thành đàn ông, chứ không phải là vợ của Hải.
Thổ ↔ người phụ nữ yêu Thổ đơn phương: sự đẫy đà, khả năng sinh nở (chứng minh bằng một đứa con gái), của người phụ nữ này, vẫn không làm Thổ – người đàn ông 'đàn ông' nhất trong phim, động lòng. Điều này, càng nhấn mạnh, sự bất thường, của những người đàn ông trong phim.
Sự va đập của các nhân vật trái cực, với xúc tác của các nhân vật hỗ trợ, tạo cơ hội cho những tương tác thú vị: chỉ cần 'thả' nhân vật vào khung hình, là có ngay chuyện để xem. Thật sự, việc tiết chế lời thoại, hành động, giống như thắt chặt hơn điều kiện phản ứng, càng làm rõ thêm kết quả của những 'va chạm' này.
Sự tiến triển từ một luận đề ban đầu, mở ra thêm các luận điểm, trong đó có: liệu người phụ nữ có thể vượt thái cực, sang bên kia, trở thành nam giới – nhân vật Cầm, khi đối thoại với Duyên, hay, người đàn ông, có thể bị đẩy qua bên kia ranh giới, trở thành phụ nữ – nhân vật Hải, khi trở thành 'con đĩ' trong chiếu bạc.
Một luận điểm khác, cũng không kém phần quan trọng, được thể hiện gần cao trào của phim: liệu nam tính, cuối cùng, có được cứu vãn? Đó là cảnh làm tình giữa Thổ và Duyên: dùng sự khuất phục, sự thỏa mãn của Duyên, để khẳng định đặc tính nam giới, của Thổ.
Luận đề: sự bất lực của đàn ông, còn tiếp tục được hỗ trợ bởi các nhân vật phụ: người cha chửi mắng con vô dụng, nhưng lại móc tiền của con để đi đá gà; ông của Duyên, một thời đào hoa, giờ chỉ biết nằm ư ử trên giường; tên giang hồ mê cờ bạc, chỉ có gái chơi khi ăn bạc (nói một cách khác, chỉ có may mắn, anh mới có cơ hội thể hiện mình là đàn ông) …
Cuối cùng, kết phim, với cái chết của người phụ nữ yêu Thổ đơn phương, đã phủ định sự hồi sinh của đặc tính nam giới. Sự mất đi người phụ nữ duy nhất, đã chứng minh khả năng sinh sản và còn khả năng sinh sản, giống như mất đi cơ hội cuối cùng, để thể hiện khả năng của giới đàn ông.
Trong bộ phim, các nhân vật luôn ở thế 'chơi vơi', nhưng, đó chỉ là từ góc nhìn của khán giả. Chơi vơi của ta, biết đâu, lại là cân bằng với họ.
4. Nói về bối cảnh và ánh sáng của 'Chơi vơi': ở đây, có thể thấy tính chạng vạng, giống như buổi giao thời, giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Các nhân vật day dứt, giữa những gì đang có, và mong muốn về những gì chưa có.
5. Âm nhạc trong 'Chơi vơi', mang tính cập nhật và có chọn lọc, nhất là thể hiện qua việc sử dụng bài 'Dệt tầm gai', như một leitmotif. Một mặt, tô đậm thêm chủ đề giới tính, một mặt, là cái bắt tay hỗ trợ sáng tạo giữa các nghệ sĩ Việt Nam đương đại.
6. 'Chơi vơi' của một đạo diễn trẻ - là phim truyện dài thứ 2 của anh Bùi Thạc Chuyên. Mặt khác, 'Chơi vơi' được viết bởi một biên kịch trẻ - anh Phan Đăng Di, người cách đây vài năm, vẫn còn phiêu lãng với "Khi tôi 20". Thế nhưng, tôi cảm thấy thỏa mãn với 'Chơi vơi', không phải vì nó là một phim ngông cuồng của những người trẻ. Ngược lại, tôi cho rằng, đây là một bộ phim mà những người thực hiện, đã trung thực với bản thân mình. Họ nhiệt huyết và tinh tế. Họ dám 'nói', và 'nói' vừa đủ.