Chip Trung Quốc qua mặt Nvidia

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Siêu GPU A100 và H100 của Nvidia gặp phải thách thức lớn từ Trung Quốc, một tiến bộ phần cứng có chi phí thấp nhưng hiệu năng lại cao hơn.​


Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa đạt đột phá về hiệu suất siêu máy tính bằng cách sử dụng GPU sản xuất trong nước. Mô hình máy tính mới của họ có tốc độ gấp gần 10 lần so với các siêu máy tính của Mỹ, sử dụng phần cứng Nvidia.

image_95.jpeg


Thành tựu này thách thức sự thống trị của Mỹ trong điện toán hiệu suất cao, đồng thời cho thấy khả năng của Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Mô hình sáng tạo​

Trong nhiều năm qua, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Trung Quốc, hạn chế khả năng tiếp cận các GPU tiên tiến của Nvidia như A100 và H100. Ngoài ra, thuật toán CUDA không tương thích với phần cứng không phải của Nvidia, khiến việc phát triển thuật toán độc lập trở nên khó khăn.

Đáp lại, Trung Quốc tập trung vào việc phát triển các giải pháp của riêng mình nhằm vượt qua các rào cản công nghệ này.

Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Nan Tongchao từ Đại học Hồ Hải Nam Kinh, nhóm nghiên cứu tạo ra một mô hình điện toán song song “đa nút, đa GPU”. Phương pháp này tối ưu hóa việc truyền dữ liệu và điều phối tác vụ, giảm tổn thất hiệu suất, cải thiện hiệu năng.

Không giống như hệ thống TRITON của Mỹ, cần 64 nút để đạt được tốc độ gấp 6 lần, mô hình của Trung Quốc làm được điều tương tự chỉ với 7 nút, giúp hệ thống hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Siêu máy tính được xây dựng bằng nền tảng điện toán x86 Trung Quốc, sử dụng CPU Hygon 7185, có 32 lõi và 64 luồng, chạy ở tốc độ 2,5 GHz.

GPU phát triển nội địa được trang bị bộ nhớ 128 GB. Hệ thống cũng sử dụng băng thông mạng 200 Gb/s để cho phép giao tiếp hiệu quả giữa các nút.

sieu may tinh Trung Quoc anh 1
Siêu máy tính Trung Quốc cải thiện hiệu năng nhờ mô hình điện toán song song sáng tạo. Ảnh: MES.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm siêu máy tính của họ bằng cách mô phỏng một trận lũ tại Hồ chứa nước Zhuangli ở Sơn Đông (Trung Quốc). Sử dụng 200 nút và 800 GPU, hệ thống hoàn thành mô phỏng chỉ trong 3 phút.

Tốc độ này gấp 160 lần so với phương pháp truyền thống. Những tiến bộ như vậy cho phép mô phỏng thiên tai theo thời gian thực, cải thiện khả năng ứng phó với thảm họa, kiểm soát lũ lụt và quản lý hồ chứa.

Tiềm năng ứng dụng​

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật Thủy lực Trung Quốc vào ngày 3/1 và mở mã nguồn. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu khác tiếp tục phát triển dựa trên tiến bộ vừa đạt được.

Ứng dụng tiềm năng bao gồm khí tượng thủy văn, mô hình hóa bồi lắng và tương tác bề mặt nước. Nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc mở rộng ứng dụng của mô hình và kiểm tra tính ổn định của nó trong các dự án kỹ thuật thực tế.

Thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu siêu máy tính có thể xem là một tác động “không mong muốn” đối với Mỹ khi áp lệnh trừng phạt. Bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Nvidia, Mỹ muốn làm chậm tiến trình phát triển của đối thủ.

Tuy nhiên, thay vào đó, lệnh trừng phạt lại thúc đẩy Trung Quốc phát triển các giải pháp điện toán mạnh mẽ của riêng mình.

Với bước đột phá này, Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua siêu máy tính của Mỹ ở một số lĩnh vực. Thành công của nhóm nghiên cứu cũng góp phần vào sự thay đổi đáng kể trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng vị thế trên lĩnh vực điện toán hiệu suất cao.
 
Bên trên