Chính phủ Anh có thể chặn thương vụ NVIDIA mua ARM

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Theo các nguồn tin thân cận, Chính phủ Anh đang xem xét ngăn chặn việc NVIDIA tiếp quản ARM do những rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

2224790.jpg


Hồi tháng 9, NVIDIA, công ty chip lớn nhất tại Mỹ tính theo vốn hóa thị trường, đã công bố một thỏa thuận trị giá 40 tỉ USD nhằm mua lại ARM từ tay Tập đoàn SoftBank Nhật Bản. Đây là một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận của NVIDIA trong thị trường bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ. SoftBank đã bán nhiều tài sản nhằm huy động tiền mặt mua lại và đầu tư mới vào các công ty khởi nghiệp.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Văn hóa Anh, Oliver Dowden, đã yêu cầu Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) chuẩn bị một báo cáo về việc liệu thương vụ này có thể được coi là phản cạnh tranh hay không, cùng với bản tóm tắt về bất kỳ mối quan ngại nào liên quan đến an ninh quốc gia do các bên thứ ba bày tỏ.

Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận của chính phủ tiết lộ, bản đánh giá được soạn vào hồi cuối tháng 7 chứa đựng những tác động đáng lo ngại đối với an ninh quốc gia và Chính phủ Anh dường như đang muốn ngăn chặn việc tiếp quản này. Một nguồn tin khác cho hay, Chính phủ Anh có khả năng sẽ tiến hành một cuộc đánh giá sâu hơn về việc sáp nhập này do các vấn đề an ninh quốc gia.

Những nguồn tin này tiết lộ, vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra và Chính phủ Anh vẫn có thể phê duyệt thương vụ này cùng một số điều kiện nhất định. Ông Oliver Dowden sẽ quyết định xem liệu việc sáp nhập có cần được cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh kiểm tra thêm hay không.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc thông qua quy trình quản lý với Chính phủ Anh", người phát ngôn của NVIDIA cho hay. "Chúng tôi mong đợi các câu hỏi của họ cũng như hi vọng sẽ giải quyết bất kỳ bất đề nào mà họ có thể gặp phải."

Người phát ngôn của CMA cũng như quan chức Chính phủ Anh từ chối đưa ra bình luận.

2224784.jpg


Công nghệ chip

ARM sở hữu bộ tiêu chuẩn và thiết kế được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp chip giá trị 400 tỉ USD. Công nghệ của công ty là "đầu não trung tâm" trong hầu hết mọi chiếc smartphone trên toàn cầu. Thậm chí, vai trò của nó đang dần trở nên quan trọng hơn đối với máy tính, bao gồm cả trong máy chủ vận hành các hệ thống của công ty và chính phủ.

Công ty có trụ sở tại Cambridge đã hoạt động như một bên trung lập: bán các bản thiết kế chip và cấp phép những tiêu chuẩn của mình cho hàng loạt công ty công nghệ lớn, trong đó nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt. SoftBank đã mua lại ARM từ năm 2016 và việc không phải là một khách hàng của ARM đã giúp duy trì tính trung lập đó.

Vẫn chưa rõ việc thay đổi quyền sở hữu của ARM từ Nhật Bản sang Mỹ sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Anh thế nào. Tuy nhiên, kể từ khi SoftBank mua lại ARM, công nghệ bán dẫn đã trở thành một trọng tâm mới đối với các chính trị gia.

Ngành công nghiệp chip đã trở thành một phần trọng tâm trong cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Mỹ đã hành động để hạn chế quốc gia Châu Á này tiếp cận với những bí quyết thuộc sở hữu của các công ty Mỹ, vốn đang thống trị ngành. Các hạn chế của Chính phủ Mỹ đối với việc bán công nghệ chip cho Trung Quốc đã chi phối một số phát minh của ARM, bởi công ty vẫn đang hoạt động ở đó.

Newport Wafer Fab, có trụ sở tại Wales, hiện đang được chính phủ Anh xem xét sau khi đồng ý bán cho một nhà sản xuất Trung Quốc với mức giá tương đương 87 triệu USD.

2224787.jpg


Tài sản quan trọng

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã bày tỏ quan ngại đối với Trung Quốc, đưa ra nhiều động thái bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, chẳng hạn như cấm Huawei – một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Ông cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy một dự án hạt nhân hàng đầu mà không có sự tài trợ của Trung Quốc.

Vị trí trung tâm trong ngành sản xuất chip của ARM sẽ tạo ra vô số lo ngại khi thương vụ được thực hiện, bởi NVIDIA cạnh tranh trực tiếp với các khách hàng của ARM, chẳng hạn như Qualcomm, Intel và AMD.

Một số đối thủ của NVIDIA xác nhận rằng họ sẽ sẵn sàng đầu tư vào ARM để giúp nó tiếp tục hoạt động độc lập, trong trường hợp NVIDIA không được phép tiếp quản. Thương vụ này cũng phải được các cơ quan quản lý của Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ phê duyệt.

NVIDIA cam kết duy trì sự độc lập của ARM nếu hoàn tất quá trình tiếp quản cũng như sẽ đầu tư mạnh mẽ nhằm tăng phạm vi tiếp cận của nó. Nhưng bất kỳ thỏa thuận tiếp quản nào cũng có khả năng kèm theo các điều kiện như duy trì khoảng 3.000 nhân viên ở Anh và giữ trụ sở chính của công ty ở Cambridge.

CEO NVIDIA, Jensen Huang, cho biết, ông vẫn tự tin rằng các cơ quan quản lý sẽ phê duyệt thương vụ mua lại ARM của công ty.

Kể từ khi SoftBank mua lại ARM với giá 32 tỉ USD vào năm 2016, Masayoshi Son, người sáng lập của công ty, đã coi nhà thiết kế chip này là nền tảng cho chiến lược đầu tư vào các công ty khởi nghiệp dựa trên AI. ARM chiếm khoảng 10% giá trị tài sản ròng của SoftBank tính đến cuối tháng 3, là cổ phần lớn thứ 3 sau Alibaba Group Holding Ltd và bộ phận đầu tư Vision Fund.

Masayoshi Son đã và đang đẩy mạnh các khoản đầu tư khởi nghiệp thông qua Quỹ Vision Fund 2 của mình, và số tiền thu được từ việc bán ARM có thể tài trợ cho nỗ lực đó. NVIDIA đã cam kết trả cho SoftBank 2 tỉ USD cho dù việc mua lại có diễn ra hay không.

Nếu thương vụ này bị các cơ quan quản lý ngăn chặn, SoftBank nhiều khả năng sẽ theo đuổi một đợt IPO của ARM. Trong một bài đăng trên blog hồi tháng 7, CEO của ARM, Simon Segars tiết lộ: "Sự kết hợp giữa ARM và NVIDIA chắc chắn sẽ tốt hơn so với IPO."

Theo VN review​
 
Bên trên