torune
Film critic
Năm 2017 đã và đang chứng kiến khá nhiều màn cập nhật phần cứng ngoạn mục của những công ty sản xuất di động: Galaxy Note của Samsung không còn phát nổ; iPhone của Apple thay đổi lớn trong thiết kế; OnePlus 5 và LG V30 vẫn là những đối thủ xứng tầm... Nếu bạn là một người yêu công nghệ và không ngừng chạy đua cho bằng bạn bằng bè, dễ thấy rằng ham muốn 'nhanh hơn', 'tốt hơn', 'đẹp hơn'... không bao giờ được thỏa mãn. Nhưng, có một thứ đáng nói hơn, đó là, chi phí tiếp cận những chiếc smartphone cao cấp không ngừng tăng.
- Huawei P9 giá 449 GBP (ở Anh) năm 2016; năm nay, giá khởi điểm của Huawei P10 là 569 GBP. Bạn có nhiều tính năng hơn nhưng trả cũng nhiều tiền hơn. (+26%).
- OnePlus 3 giá 399 USD vào năm 2016; OnePlus 5 của 2017 giá 479 USD. (+20%)
- Galaxy Note 7 giá 849 USD vào năm 2016; Galaxy Note 8 hiện tại có giá 930 USD. (+10%)
- iPhone 7 Plus giá 769-969 USD năm 2016; iPhone X hiện có giá thấp nhất là 999 USD. (+30%)
- Google Pixel XL (2016) giá 769-869 USD; phiên bản 2017 lên tới 849-949 USD. (+10%)
Không có âm mưu lớn ở mức độ công nghiệp nào mà không có sự giải thích, mặc cho những âm mưu này đang hoạt động rất êm thấm như một xu hướng thời trang. Cụ thể, chúng ta đang nhìn vào một thị trường đã trưởng thành, cực kỳ già dặn, nơi những đối thủ lớn đã và đang cho ra đời thứ 8 của sản phẩm mà họ sản xuất!
Trong tương lai, Apple, Samsung và Google đều sẽ tìm cách móc từ túi bạn một mớ tiền (đô-la) không dưới 4 con số cho một chiếc di động mới. Trước đó, người viết bài Vlad Savov của The Verge, đã chỉ ra cách mà Samsung âm thầm tăng giá thiết bị của họ mà không ai kêu ca. Theo đó, có 3 yếu tố chính. (1) Giá tiền tăng không đáng là bao so với chiếc Note cũ. (2) Sản phẩm bán theo bộ, lỉnh kỉnh quà tặng kèm theo, đặc biệt có chiếc dock DeX để gắn desktop. (3) Apple cũng thực hiện động thái tương tự, giúp bình thường hóa biến động.
Về phía Apple, màn hình OLED không viền (đến từ Samsung) trên chiếc iPhone X quả là một linh kiện đắt đỏ, đặc biệt khi bạn cho rằng Samsung khó mà chia sẻ phần cứng độc quyền này (hiện vẫn chưa ai làm được, kể cả LG) cho đối thủ lớn nhất của họ trên thị trường di động. Về phía Google, phiên bản mới của Pixel XL cũng được nhiều người chờ đón nhận cải tiến tương tự nếu như cha đẻ Android không muốn bị thua thiệt.
Những 'sợi dây vô hình' kết nối 3 công ty đang làm giá di động trên 1.000 USD chính là ham muốn sở hữu màn hình (không ai có) và tên tuổi của thương hiệu đủ lớn để thuyết phục người dùng về đội của họ. Sự trung thành của người dùng iPhone đã lên hàng huyền thoại, chỉ bị cạnh tranh bởi mỗi Google và hệ sinh thái Android - nguồn sống gần như của mọi hãng di động khác. Nhờ việc đi lên từ thấp đến cao, Samsung đã và đang gầy dựng một lượng người dùng đông đảo. Để thôi thúc người dùng chi nhiều hơn số tiền mà họ từng dám chi, cần có một thương hiệu mạnh.
Về phía 2 công ty - Huawei và OnePlus - được chia sẻ đầu bài, việc hai hãng này tăng giá cũng ít làm nhiều người phẫn nộ bởi cả hai đều đã làm tròn vai trong âm mưu lớn của những hãng trên đây. Tồn tại một sự thật là, rất nhiều người muốn sở hữu một thiết bị 'giống iPhone' và ảnh Instagram 'như được chụp trên iPhone' vậy. Đó là lúc Huawei và OnePlus xuất hiện!
Huawei và OnePlus biết được thân phận của mình trong việc làm ra những trải nghiệm 'giả iPhone' (pseudo-iPhone) ở một mức giá rất nhỏ so với iPhone và họ vẫn đều đặn thực hiện điều này. Cả hai chiếc Huawei P10 và OnePlus 5 đều cho một cảm giác giống iPhone đến kinh ngạc.
Đọc tới đây, có thể bạn đang nghĩ rằng Apple và Samsung đang cùng nhau kéo tất cả lên tầng lớp 'sang chảnh', kể cả Essential, HTC và Blackberry. Thật ra không phải.
Trong quá khứ, những cải tiến màn hình và thiết kế gần như... miễn phí. Năm nào đó, một màn hình LCD 4.3-inch IPS xuất hiện. Năm sau cũng kiểu màn hình như vậy nhưng lớn hơn: 4.7-inch, rồi 5-inch, rồi 5.5-inch... Nhưng, ở điểm cuối của lộ trình cập nhật là sự thay đổi, thay đổi ở công nghệ hiển thị và phương thức sản xuất. Chúng ta từng trông thấy những chiếc di động có độ dày từ 14mm xuống còn 12mm, 10mm, thậm chí dưới cả 7mm. Nhưng hiện tại, ai cũng tiếp cận được với màn hình lớn, ai cũng có thể nhét nguyên smartphone vào một khối kim loại mong manh; vì vậy, cuộc đua cải tiến cần chuyển sang hướng khác.
Là người tiêu dùng, chúng ta vẫn có khá nhiều lựa chọn để không bị lạc hậu. Ví dụ như, những chiếc Moto Z2 Play, iPhone SE, Honor 9, ZTE... vẫn thỏa mãn được nhu cầu của phần đông người dùng trong khi giá thành chỉ bằng 1/3 chiếc iPhone X. Nhưng, thị phần cao cấp (premium) chắc chắn không ngừng leo thang và chúng ta sẽ sớm chứng kiến khoảng cách lớn hơn thứ mà chúng ta từng trông thấy.
Galaxy Note 8 là chiếc smartphone đắt nhất Samsung từng bán ra. Cuối cùng, nó vẫn đạt kỷ lục đặt mua trước mặc cho thảm họa Note 7. iPhone X cũng là smartphone mắc nhất trong lịch sử Apple nhưng chắc chắn hiện không ít người chờ ngày Apple mở bán để giành chỗ. Google Pixel XL thì sao? Lúc mới ra, ai cũng chê mắc nhưng tới nay (năm 2017),vẫn rất khó để chạm tay vào một chiếc vì cung vẫn chưa đủ cầu.
Smartphone trở nên quan trọng với chúng ta như vậy đấy! Nó gần như không thể thiếu. Người ta dùng nó cho công việc và cả giờ phút thư giãn. Cũng có lý khi chi 1.000 USD cho một chiếc 'máy tính bỏ túi'.
Tôi là fan của công nghệ tiêu dùng bởi những điều tuyệt vời và mới nhất đều sớm di chuyển từ những mẫu flagship sang những mẫu bình dân chỉ trong chớp mắt. Nó xóa tan chủ nghĩa quý tộc. Nhưng, những gì đang diễn ra với smartphone trong năm 2017 đồng nghĩa rằng 'cái chớp mắt' này sẽ lâu hơn. Chúng ta vẫn sẽ nhìn thấy những thành quả tuyệt vời như màn OLED không viền hay lời đáp trả của Android cho công nghệ Face ID trên các thiết bị giá rẻ. Nhưng, chúng ta phải đợi rất lâu, lâu hơn trước!
Bài viết bởi Vlad Savov
Theo The Verge
Theo The Verge