Changeling phỏng theo một câu chuyện có thật, một câu chuyện hết sức cảm động về tình mẹ và hi vọng của con người.
Với cốt truyện tưởng chừng như rất đơn giản: bà mẹ Christine Collins đi tìm đứa con trai thất lạc, nhưng câu chuyện đã đi rất sâu, khai thác rất triệt để yếu tố nội tâm của độc giả, yếu tố hiện thực của xã hội, chính trị.
Đã từng xem nhiều vai diễn của Angelina Jolie, chủ yếu trong những phim hành động. Nhưng đến phim này, mình mới thực sự cảm phục diễn xuất của Angelina. Một bà mẹ trong trang phục thập niên 30 của thế kỉ trước, mũ ngắn cụp đầu, váy dài quá gối, Angelina làm toát lên vẻ đẹp quý phái, tự tin những cũng rất gần gũi, dễ mến. Christine là một phụ nữ có đứa con chưa một lần được gọi cha, khi mà bố của nó sợ cái "box" mang tên "Responsibiity". Cô đã dành trọn yêu thương và quan tâm cho đứa con trai đáng giá nhất đời cô, Walter, dù cô là một người phụ nữ có năng lực quản lí trong một cơ quan điện báo. Thế rồi, cũng chính công việc ấy đã cướp mất đứa con của cô, vào một hôm thứ 7 mà cô buộc phải rời đứa con và lời hứa đến cinema để đến với công việc...
Ban đầu, có vẻ như việc báo cảnh sát tìm con của Christine được chú ý quá nhiều bởi báo giới. Kì thực, đấy chính là một hình thức quảng bá hình ảnh của người đại diện cảnh sát trước vụ bầu cử mới. Họ dự tính sẽ dùng việc tìm ra Walter như một đòn bẩy về thương hiệu, danh dự và uy tín của họ. Nhưng, họ đã tính toán sai khi bỏ qua tình yêu, hi vọng và cảm quan của một người mẹ hết mực yêu thương đứa con mình.
Vào một hôm, cảnh sát gọi điện cho Christine báo đã tìm được đứa con thất lạc. Giây phút cô chết lặng người khi nhìn đứa trẻ được cho là con cô khiến người xem cảm thương sâu sắc. Tệ hơn, cảnh sát buộc cô phải vui cười chụp ảnh với đứa bé không biết từ đâu chen vào cuộc sống của cô. Cái cảm giác bị người khác khăng khăng đứa trẻ trước mặt mình là con, dù biết chắc rằng con của mình đang ở đâu đó rất xa khiến mình cảm thấy hết sức bất bình. Và còn hơn thế, một chuỗi những câu chuyện bị cảnh sát áp đặt, vu khống, thậm chí đe dọa và dùng bạo lực, giống như hình ảnh một xã hội 1984 thu nhỏ. Nhà thương điên, nơi mà định nghĩa về điên thuộc về giới cầm quyền. Những gì trái với lợi ích của cảnh sát, đe dọa, dù cố tình hay không cố tình, đều đi đến cái kết cuối cùng chính là trại chứa người tâm thần. Tuy nhiên, khác với One Flew Over The Cuckoo's Nest, phần lớn bệnh nhân nơi mà Christine được gửi đến đều xuất phát từ việc phản đối cảnh sát. Cảnh sát là ai?
"Who can take a woman into his office and five minutes later have her thrown into the psychopathic ward on his own authority."
"She wasn't thrown."
"She wasn't thrown."
"She was escorted."
(Laughing) "Escorted, thrown, the verb doesn't matter, Captain."
Đoạn đối chất này thực sự thú vị. Không phải là ném vào nhà thương, mà là được hộ tống, được áp tải. Cảnh sát luôn nhìn hành động của họ là hợp pháp, là công lý sao? Nếu như không có những người tốt bên cạnh người mẹ một mực thương con Christine, liệu rằng kẻ thực thi công lý phải chăng luôn ngồi trên ghế đệm và quẳng người dân vào nhà tù tâm lý đó.
Khi xem đoạn Christine bị đem vào phòng 18 để dùng sốc điện (biện pháp mà One Flew Over the Cuckoo's Nest cùng phản ánh lên phim), mình cứ sợ rằng Christine không đủ nghị lực để đứng vững với quyết định của mình, kí vào tờ đơn thỏa hiệp với cảnh sát, với việc bỏ rơi đứa con yêu quý ngoài kia của cô. Rằng nếu như The Departed, ý nghĩ của bệnh nhân sẽ dần bị mê hoặc từ chỗ đúng thành sai, từ không thành có. Nhưng không, cô mạnh mẽ hơn mình tưởng: "Fuck you and the horse you rode in on." Cô đã từng nghĩ đấy không phải là ngôn từ của một quý bà. Nhưng rồi, hạnh phúc thay, cô nhận thức rằng một quý bà phải biết mạnh mẽ trước kẻ xấu, dám chiến đấu đến cùng với những giá trị chân chính của mình - Tình yêu.
Phim có một cái kết rất hay. Đạo diễn để Hope sống dậy trong tâm trí người mẹ. Ta dám tin là một khi con người ta có hi vọng, họ sẽ có tương lai...