Chẳng bao lâu nữa xe hơi sẽ "trò chuyện" được với nhau!

scotty

Well-Known Member
nxp-car-2-car-wireless-technology-demo-0.jpg

Đến năm 2014, xe hơi sẽ có thể giao tiếp được với nhau trên đường dưới hình thức báo động về tình trạng giao thông, tai nạn hay đơn thuần là có xe cấp cứu ở phía trước.

Đó là tầm nhìn của NXP, một hãng chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn, cũng là hãng đã cho ra đời công nghệ hộ chiếu sinh trắc học và công nghệ NFC (Near Field Communications - giao tiếp trường gần) ứng dụng trên smartphone, và mới đây là GreenChip hỗ trợ điều khiển bóng đèn qua mạng không dây.

Nền tảng C2X

Được NXP kết hợp phát triển với Cohda Wireless và có tên gọi là nền tảng C2X (viết tắt cho "Car-to-X"), ý tưởng mang tính tương lai này hiện đã được đưa vào thử nghiệm thực tế tại hiện trường, chứ không còn là niềm mơ ước của ai đó về một mạng lưới giao tiếp khổng lồ giữa xe và xe, và mạng giao tiếp giữa xe với hạ tầng giao thông (như đèn hiệu) nhằm có được cơ chế truyền tải thông tin nhanh chóng.

C2X sử dụng chuẩn giao tiếp không dây IEEE802.11p, là chuẩn được đặc chế riêng cho các ứng dụng trong ngành xe hơi, như 2 mạng giao tiếp đã đề cập ở trên.

Được phát triển lên một tầm mới, nền tảng C2X này thực sự có thể "nhìn" xuyên các góc phố khuất và phát hiện được các trở ngại giao thông trước khi người lái xe nhìn thấy chúng. Qua đó tài xế có được các cảnh báo sớm về các xe khác khuất tầm nhìn khi chạy phía sau xe tải hoặc đang tiến về góc phố hay giao lộ. C2X còn đưa ra cảnh báo hữu ích khác như tắt đường, có xe cấp cứu, hoặc tín hiệu đèn giao thông, giúp cho tài xế điều chỉnh tốc độ xe và đề phòng các nguy cơ xảy ra.

nxp-car-2-car-wireless-technology-demo-2.jpg


nxp-car-2-car-wireless-technology-demo-3.jpg

Phần cứng

Đó là một chiếc hộp có kích thước cỡ hộp đựng giày (và chắc chắn là sẽ còn nhỏ nữa, bằng cỡ hộp diêm). Bên trong hộp là một bộ cảm biến GPS và một điện thoại di động được gắn sẵn. Chiếc điện thoại này sẽ dùng giao thức không dây mới là 802.11p để tốc độ "giao tiếp" của xe hơi được nhanh hơn, trong khi giao thức hiện đang phổ biến vẫn là 802.11n, có thể thấy trên các dòng smartphone và laptop mới nhất.

Việc chọn giao thức 802.11p còn giúp cải thiện được độ trễ (latency), nhờ vậy thiết bị giao tiếp có thể bắt nối được với các xe khác trong phạm vi 1,5 km.

nxp-car-2-car-wireless-technology-demo-4.jpg


nxp-car-2-car-wireless-technology-demo-5.jpg

Quy mô ứng dụng

Hãng NXP cho biết công nghệ này và thiết bị ứng dụng sẽ bắt đầu đưa vào ứng dụng từ năm 2014.

Theo Kurt Sievers, Tổng giám đốc bộ phận NXP Automotive kiêm phụ trách sản xuất sản phẩm, cho biết hãng NXP hy vọng đến 2020 công nghệ này sẽ được áp dụng cho toàn ngành xe hơi ở mức 10%, cùng với niềm lạc quan là Nhật Bản có thể sẽ sớm áp dụng công nghệ này trước cả thời điểm đó nhờ chính sách cách tân trong ngành sản xuất xe hơi của họ.

Và 10% là cũng đủ để tác động một cách tích cực đến quy cách vận hành điều khiển xe cũng như cách thức xử trí tình huống trên đường của 90% xe còn lại chưa sử dụng công nghệ này.

"Hãy tưởng tượng tình huống một chiếc xe cấp cứu có thể tự động chuyển tín hiệu đèn giao thông sang xanh để giúp nó chạy không ngừng để kịp đến bệnh viện. Tất cả đều nhờ thiết bị giao tiếp được gắn trên xe và trên các đèn giao thông giúp chúng tương tác được với nhau." Sievers giải thích.

Vấn đề bảo mật

Vấn đề bảo mật khi ứng dụng một công nghệ mới luôn được đặt ra, và công nghệ này cũng không ngoại lệ. Liệu cảnh sát giao thông có thể dùng công nghệ này để ngừng xe ai đó trong quá trình truy đuổi? Liệu hacker có thể dùng nó để tấn công xe bạn và tự do điều khiển nó?

NXP chắc đã tính đến những vấn đề này, và họ trấn an rằng không phải lo về chuyện bảo mật. Thực tế NXP cũng là hãng đã chế ra các loại chip bảo mật và chip mã PIN dành cho thẻ tín dụng và công nghệ mã hóa bảo mật dành cho hộ chiếu sinh trắc. Liệu các công nghệ bảo mật đó có được áp dụng cho thiết bị giao tiếp này không? Điều đó vẫn chưa được hãng cho biết.

Tuy nhiên, Sievers đã tiết lộ là hãng có thể sẽ triển khai giải pháp kỹ thuật bảo mật khác hơn bằng cách cấp địa chỉ IP động cho mỗi một xe có cài thiết bị giao tiếp và địa chỉ IP sẽ thay đổi thường xuyên, không khác gì địa chỉ IP động mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) áp dụng cho đường truyền Internet của bạn.

Nhà sản xuất xe hơi

NXP vẫn chưa sẵn sàng để tiết lộ tên những nhà sản xuất xe hơi sẽ ứng dụng công nghệ này. Tuy nhiên hãng đã đưa ra giả thiết là thiết bị giao tiếp xe hơi này sẽ được áp dụng với các đối tác xe hơi đã ký kết tham gia vào SPITS (viết tắt cho Strategic Platform for Intelligent Traffic Systems - Nền tảng chiến lược dành cho các hệ thống giao thông thông minh). Hiện tại Audi, BMW, VW và Toyota là những hãng đã tham gia SPITS.

Theo Pocket-lint
 

vohungvi

Member
Ðề: Chẳng bao lâu nữa xe hơi sẽ "trò chuyện" được với nhau!

Từ này các bác tài thông báo có CS giao thông phía trước không cần phải giơ tay chi cho nó mất công
 

sea fresh

Member
Ðề: Chẳng bao lâu nữa xe hơi sẽ "trò chuyện" được với nhau!

tít tít có bắn tốc độ, các xe ngược chiều chú ý, thế là chạy xe yên tâm rồi
 

scotty

Well-Known Member
Ðề: Chẳng bao lâu nữa xe hơi sẽ "trò chuyện" được với nhau!

Lúc đó á, CSGT sẽ có giải pháp đối phó khác nhá :))
 
Bên trên