Ðề: Câu hỏi ngớ ngẩn của "Đấu trường 100"
Những 'trợ lý' máy của Barack Obama
Cập nhật lúc 17:15, Thứ Sáu, 06/03/2009 (GMT+7)
,
Khi giới thiệu người được chọn vào vị trí Bộ trưởng Y tế Mỹ tại phòng Đông của Nhà Trắng hôm 2/3, Tổng thống Barack Obama nghiêng đầu từ trái qua phải nhưng không nhìn vào khán giả. Ông đang đọc từ hai máy phóng đại chữ, được lắp đặt một cách chiến lược ngoài tầm của máy quay truyền hình.
Với chiếc đèn treo nhiều ngọn phản chiếu trong chiếc máy phóng đại chữ, Tổng thống Obama đang phát biểu tại một hội nghị ở Nhà Trắng ngày 20/2. (Ảnh: Getty Images-AFP)
"Thận trọng quá mức"
Khi ông thông báo xong, hai chiếc máy lặng lẽ thụt xuống sàn nhà. Và khi Kathleen Sebelius bước lên để phát biểu, nữ Thống đốc bang Kansas này có vẻ hơi bất ngờ trong chốc lát. "Đừng ngại", Obama nói và nở một nụ cười. "Nó biến mất rồi", bà Sebelius đùa.
Các đời tổng thống Mỹ từng sử dụng máy phóng đại chữ trong hơn một nửa thế kỷ nay nhưng không ai dựa vào chúng nhiều như Obama.
Họ chỉ dùng máy này trong những dịp quan trọng, chẳng hạn như lễ nhậm chức, đọc Thông điệp Liên bang hoặc một bài phát biểu từ phòng Bầu dục. Trong khi đó, Obama cần chúng cho các thông báo thường ngày, kể cả khi phát biểu mở đầu một cuộc họp báo.
Ông đã sử dụng chúng trong chuyến thăm tới nhà máy Caterpillar ở Peoria, Illinois. Ông dùng chúng cho các bình luận ngắn gọn khi bắt đầu Hội nghị trách nhiệm tài chính tại Nhà Trắng hôm 23/2. Ông cũng dùng máy phóng đại chữ khi thăm Bộ Nội vụ, thảo luận về các loài đang bị đe dọa, thậm chí khi nhắc lại chuyến tham quan một số công viên quốc gia khi mới 11 tuổi. "Đó là một kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên", ông nói khi đọc từ chiếc máy phóng đại chữ.
Đối với Obama, một chiếc máy phóng đại chữ có nghĩa là nguyên tắc thông điệp, giúp ông bám sát những từ ngữ dự định trước. Tất nhiên, các bài phát biểu của tổng thống thường được chuẩn bị sẵn trên giấy hoặc sổ ghi chép nhưng cũng có nhiều nhà lãnh đạo thích ứng khẩu.
Obama muốn thông điệp của ông phải thật chuẩn xác. Xét cho cùng thì tân Tổng thống Mỹ là một tác giả có sách thuộc hàng bán chạy nhất, đã tham gia viết nhiều bài phát biểu quan trọng của chính ông. Vì vậy, theo một số trợ tá, ông cảm thấy chắc chắn đối với văn bản đã hoàn thiện.
Michael Waldman, trưởng nhóm viết diễn văn cho cựu Tổng thống Bill Clinton, nói rằng Obama là một trong số ít các chính trị gia có thể sử dụng máy phóng đại chữ một cách hiệu quả.
"Nếu ông ấy chỉ đọc một văn bản nào đó mà người ta đưa cho ông và không hiểu văn bản ấy nói gì, thì đó là một chuyện. Nhưng tôi nghĩ không ai nghi ngờ việc ông đang bày tỏ suy nghĩ của chính mình".
Tuy nhiên, Bradley Blakeman, nguyên là một trợ tá của cựu Tổng thống George W. Bush và là một nhà chiến lược của Đảng Cộng hòa, thì cho rằng máy phóng đại chữ khiến Obama trông chẳng khác nào một người máy.
"Ông ấy quá phụ thuộc vào máy chữ, thận trọng quá mức và sợ nói hớ", Blakeman nhận định. "Phát biểu của ông ấy không liền mạch và bạn có thể thấy ông ấy mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì ông ấy định nói".
Hình ảnh của Barack Obama phản chiếu trên màn hình máy phóng đại chữ khi ông phát biểu tại hội nghị của Uỷ ban quốc gia Đảng Dân chủ tháng 2/2007. (Ảnh: Getty Images)
Yêu và ghét
Các tổng thống Mỹ thường có một mối quan hệ yêu - ghét với máy phóng đại chữ qua nhiều thế hệ. Các trợ tá đã cố gắng thuyết phục Harry Truman dùng chúng, nhưng ông phát cáu và nói rằng nó sẽ làm cho ông trông như kẻ giả dối. Dwight Eisenhower là tổng thống đầu tiên sử dụng công cụ này nhưng ông cũng không tỏ ra thích thú lắm, thường cằn nhằn với các trợ tá rằng phải "dùng đến cái máy chết tiệt".
Một số ông chủ Nhà Trắng còn gặp phải nhiều "sự cố" không mấy hay ho. Năm 1993, Clinton phát biểu đề nghị Quốc hội đẩy mạnh kế hoạch y tế của ông. Một bài phát biểu nhầm được đưa vào máy phóng đại chữ. Sự việc chẳng khác nào một cơn ác mộng đối với các trợ tá của Clinton và họ mất tới 7 phút để sửa chữa sai lầm. Nhiều người cho rằng, Clinton đã làm tốt hơn khi ông tự phát biểu.
Bốn năm sau, một "cơn ác mộng" khác lại xảy ra. Một sự sửa đổi vào phút chót trong Thông điệp Liên bang năm 1997 không hiểu tại sao lại biến văn bản này thành một đoạn dài "bất tận". Khi Clinton bước lên bục, các trợ tá phải cố hết sức tách nó thành các đoạn và rất may họ đã làm xong ngay khi Tổng thống bắt đầu phát biểu.
Thậm chí khi Clinton có một bài phát biểu đã nằm trong máy phóng đại chữ, ông vẫn thường "lạc" xa khỏi văn bản đã chuẩn bị sẵn, đến nỗi người điều khiển máy phải chật vật mới tìm ra đoạn nào ông sẽ chuyển tiếp.
"Anh chàng đó (người điều khiển máy - PV) giống như một phi công chiến đấu, lấm tấm mồ hôi trên trán, cố gắng hạ cánh xuống một chiếc hàng không mẫu hạm", Waldman nhớ lại.
Một sự cố khác đã xảy ra với bài phát biểu của Tổng thống George W. Bush trước Liên Hợp Quốc năm 2002 về sự đối đầu với Iraq. Sau một cuộc tranh luận gay gắt giữa các cố vấn, ông Bush đồng ý tìm kiếm một nghị quyết mới từ Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, khi bài phát biểu được trượt trên máy phóng đại chữ, dòng chủ chốt của nó lại biến mất. Các cố vấn phát hoảng khi ông cứ tiếp tục diễn thuyết mà không nhắc đến dòng này. Sau đó Tổng thống Bush đã ứng tác khi nhận ra nó không xuất hiện trên màn hình.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, Bush đã phát biểu rằng ông sẽ tìm kiếm "các nghị quyết cần thiết", ở số nhiều và điều này đã trở thành một vấn đề khi người châu Âu thúc giục ông trở lại Hội đồng Bảo an để tìm kiếm nghị quyết thứ hai trước khi tiến hành chiến tranh.
"Chỗ dựa" tin cậy?
Obama chưa bao giờ sử dụng máy phóng đại chữ cho đến khi ông có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội của Đảng Dân chủ năm 2004. Và kể từ đó, ông thường xuyên dựa vào chúng khi đi vận động bầu cử năm 2008.
Những chiếc máy này đã trở thành điểm tấn công trong thế giới blog. Một người thậm chí còn lập một trang web có tên teleprompterpresident.com để đăng các đoạn clip về vị ứng viên Tổng thống này nói vấp khi không sử dụng máy.
Sự tiếp tục hiện diện của các máy phóng đại chữ sau khi Obama nhậm chức Tổng thống càng được nhiều người chú ý khi ông dùng chúng để đọc một tuyên bố mở màn cuộc họp báo. Các máy này sau đó tự thụt xuống sàn nhà khi đến phần trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Nhà Trắng bỏ qua những câu hỏi về việc sử dụng máy phóng đại chữ.
"Liệu một người có dùng sổ ghi chép hay máy phóng đại chữ hay không, người Mỹ vẫn quan tâm hơn đến các kế hoạch được sắp đặt chứ không phải cách thức phát biểu", trích lời phát ngôn viên Bill Burton.
Kevin Sullivan, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng của ông Bush, từng nói rất ngạc nhiên khi nhìn thấy máy phóng đại chữ được sử dụng quá thường xuyên và rằng, điều đó có nguy cơ làm cho Obama nhìn như đang đóng kịch. Góc máy quay nới rộng trong khi Obama thông báo chỉ định bà Sebelius, bà đã bị một máy phóng đại chữ che khuất.
"Đây là một người truyền đạt hiệu quả và tài năng nhất của thế hệ chúng ta. Tôi thấy khó tin là ông ấy lại cần đến chúng", Sullivan nói.
* Thanh Hảo (Theo IHT)
http://www.vietnamnet.vn/thegioi/2009/03/834496/