Catinat : Đi về chân núi xanh

poly

Banned
Sài Gòn có một quán cà phê tôi hay ngồi khi một mình khi cùng vài người bạn. Quán ở góc Đồng Khởi và Lê Lợi, có những khung cửa sổ thật to. Ngồi ở đó, tôi có thể nhìn sang Nhà hát Thành phố, xa hơn một tí là khách sạn Caravelle, còn ngay bên kia đường là khách sạn Continental. Nhà hát Thành phố đã ở đó từ đầu thế kỷ 20, khách sạn Continental cùng tuổi nhà thờ Đức Bà, còn Givral quán cà phê nơi tôi ngồi và khách sạn Caravelle trên dưới 60 năm tuổi. Tôi thích ngồi ở đó ngắm xe cộ chầm chậm qua lại trên hai con đường Đồng Khởi và Lê Lợi, ngắm những du khách nước ngoài cuốc bộ trên vỉa hè hay dừng chân mua tờ tạp chí, trái dừa tươi, chụp vài kiểu ảnh hay đẩy cửa bước vào trong quán. Tôi ngồi ở đó ngắm Sài Gòn. Những khi đó tôi biết tôi đang ngồi trong lòng Sài Gòn.

Mỗi khi tôi có bạn bè đến Sài Gòn, tôi thường mời họ ra Givral. Trong câu chuyện thể nào tôi cũng nhắc trước 75 đây là quán cánh ký giả hay ngồi, trong số đó có Phạm Xuân Ẩn, ông ấy là một điệp viên hoàn hảo, bạn có biết không? Trước 75, tôi không ngồi ở đó – tôi còn ngồi ở một nơi không thấy gì ngoài bóng tối, nhưng tôi đã nghe ba tôi kể lại, và tôi đã đọc trong sách báo. Những mẩu chuyện, những giai thoại về Sài Gòn tôi nghe từ ba tôi, từ những thế hệ trước tôi kể lại cho bạn tôi ở đây, trong quán này. Những quán cà phê như Givral không đơn thuần là quán cà phê, mà là chứng nhân lịch sử và bản thân nó cũng là lịch sử. Nó lưu giữ trong nó một phần hồn của Sài Gòn, một thành phố tuy vẫn còn xô bồ nhưng hãy còn nhiều nét duyên và nhất mực hiếu khách.


picture220j.jpg


Quán không nhiều bàn ghế, và có lẽ vì thế cũng không bao giờ quá đông. Thường khi nào tôi cũng có thể kiếm được chỗ ngồi bên cửa sổ. Cho dù không ngồi được bên cửa sổ thì những khung cửa sổ thật to cũng cho phép tôi vừa trò chuyện vừa ngó nghiêng ra đường. Nếu là ăn trưa, tôi thường gọi món cà chẽm xốt bơ chanh. Cá chẽm ở đây có thể không phải là món cá tươi nhất trần gian nhưng nước xốt được làm thật là tinh tế. Ăn kèm bao giờ cũng là một ít rau củ được hấp vừa chín tới, cùng với một ổ bánh mì nhỏ và giòn. Có thể thấy dấu vết ẩm thực kiểu Pháp trong những món ăn ở đây.


Phần lớn khách ngồi trong quán là những người không còn trẻ. Có lẽ, đối với các bạn trẻ, Gloria Jeans hay Coffee Bean là những chỗ ngồi ưa chuộng hơn. Có một bạn được tôi dẫn tới đây còn chê quán cũ kỹ, xập xệ, cho dù quán này cũng như hầu hết các quán cà phê Sài Gòn bây giờ đều có wifi.



picture215j.jpg



Trưa hôm qua tôi lại ngồi ở Givral và có thể đó là lần cuối cùng tôi còn được ngồi ở quán. Chỉ vài ngày nữa, quán sẽ đóng cửa. Toàn bộ khu tứ giác Eden cũ sẽ được đập đi nhường chỗ cho dự án trung tâm thương mại Eden hình như cũng do tập đoàn Vincom – đơn vị đang xây một trung tâm thương mại khác ở vườn hoa Chi Lăng - đầu tư. Trong khoảng hai, ba năm tới, Givral, nhà sách Xuân Thu, những cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ và gallery tranh trong khu này sẽ trở thành một công trường xây dựng khổng lồ.

Sau ba năm, nơi từng là Givral hẳn sẽ là một quán cà phê khác. Có thể đó sẽ là Highlands, Gloria Jeans, Coffee Bean hay Starbucks. Ngồi ở đấy nhìn ra, vẫn còn có thể thấy Nhà hát Thành phố và Caravelle, nếu may mắn thì vẫn còn Continental, nhưng một chút hồn Sài Gòn đã không còn nữa.



nguồn bài viết
http://lamvuthao.blogspot.com/2010/03/i-ve-chan-nui-xanh.html
 

poly

Banned
Ðề: Cantinat : Đi về chân núi xanh

Khu thương mại trên 'đất vàng' TP HCM phải di dời

Khu trung tâm thương mại Eden với 72 cơ sở thuê kinh doanh dài hạn bị UBND quận 1 buộc di dời, nếu không sẽ cưỡng chế thu hồi mặt bằng vào ngày 2/4.

Đây là một trong những khu thương mại có vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn. Mặt tiền giáp các tuyến phố: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, thuộc quận 1, vốn được xem là "cái rốn" của thành phố.

Theo thông báo cuối tuần qua của UBND quận 1, Công ty cổ phần Eden là đơn vị thuê mặt bằng của Công ty Quản lý nhà quận 1 (hiện là Công ty Công trình Công cộng quận 1) trong thời gian mặt bằng này chờ di dời, giải tỏa. Nay khu này nằm phải bàn giao mặt bằng, vì vậy, Công ty Eden và các hộ kinh doanh có trách nhiệm di chuyển toàn bộ người và tài sản ra khỏi phần đất bị thu hồi. Việc cưỡng chế thu hồi sẽ tiến hành vào ngày 2/4.

Ghi nhận của VnExpress.net, giá thuê mặt bằng tại khu Eden trung bình mỗi tháng 1.500-2.000 USD cho mỗi ô cửa hàng. Hợp đồng được ký dài hạn. Nhiều hộ kinh doanh tại Eden đã lục đục thu dọn đồ đạc để bàn giao mặt bằng trống. Một vài shop đóng cửa để lại thông báo "cần sang cửa hàng". Tuy nhiên, không ít người đang tiếp tục buôn bán tỏ thái độ bất bình vì họ chưa được Công ty Eden thông báo cụ thể việc thu hồi này, trong khi hợp đồng thuê mặt bằng và thanh toán phí đều phải thông qua Công ty Eden.


a-tb-eden.jpg



Một góc lối vào khu thương mại Eden trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Ảnh: Vũ Lê.

Chủ cửa hàng quần áo thời trang tại lô B khu thương mại Eden bức xúc: "Tôi thuê mặt bằng dài hạn, ký hợp đồng và trả phí thuê cho Công ty Eden, nay quận thông báo giải tỏa trong khi đơn vị cho thuê vẫn im lặng".

Nhiều người cho hay, Công ty Eden phải có trách nhiệm rõ ràng trong việc này đối với tiểu thương thuê mặt bằng, rồi sau đó mới tính đến chuyện di dời theo chủ trương của thành phố. Phần lớn tiểu thương mong muốn được bố trí một chỗ kinh doanh khác để ổn định cuộc sống.

Trên thực tế, hồi tháng 6/2006, Tổng giám đốc Công ty Eden Tạ Kim Hùng đã có công văn xin UBND cho phép tiến hành sửa chữa một diện tích nhỏ do đơn vị quản lý, để khai thác kinh doanh nhằm tránh lãng phí trong khi chờ giải tỏa. Theo đó, Công ty Eden sẽ khai thác kinh doanh phần diện tích mặt bằng đang quản lý trong khoảng thời gian 2 năm. Đơn vị này còn cam kết: “Khi dự án triển khai, Eden sẵn sàng trả mặt bằng theo đúng thời hạn quy định mà không yêu cầu bồi thường cho khoản đầu tư sửa chữa”. Eden sau đó đã đem phần mặt bằng này cho tiểu thương thuê lại để kinh doanh mua bán.

Thế nhưng, trong quý I/2010, UBND quận 1 đã nhiều lần gửi công văn đến Công ty Eden đề nghị bàn giao mặt bằng, nhưng đơn vị này vẫn chưa giải quyết dứt điểm với người đang thuê kinh doanh

Trong khi đó, UBND quận 1 đã đưa ra những chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người đang sử dụng mặt bằng bị thu hồi đất. Theo đó, nếu có nhu cầu thì họ được thuê lại mặt bằng để kinh doanh tại địa điểm 70-72 Lê Thánh Tôn. Còn tại khu đất này sau khi xây dựng xong nếu phù hợp với quy hoạch của tòa nhà mới, các đơn vị thuê mặt bằng có hợp đồng gốc được ưu đãi giảm 10% trên đơn giá cho thuê thực tế, với thời gian ưu đãi là 5 năm.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, để đảm bảo quyền lợi của các tiểu thương, người thuê mặt bằng ký hợp đồng với Công ty Eden có quyền gửi nguyện vọng, yêu cầu trả lại tiền thuê mặt bằng đến chính quyền địa phương. Dựa trên cơ sở này, quận sẽ đề nghị phong tỏa tài khoản của Công ty Eden để giải quyết thỏa đáng cho người dân.
Trước đây dự án khu tứ giác Eden được thành phố giao cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn triển khai. Sau đó UBND TP HCM đã chấp thuận giao cho Công ty Cổ phần Vincom làm chủ đầu tư. Quận 1 có nhiệm vụ đền bù, giải tỏa và giao đất sạch cho nhà đầu tư.

Vũ Lê

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Bat-Dong-san/2010/03/3BA1A302/


P/S :

nhờ mod sửa dùm tiêu đề là Catinat
 

ck77

Member
Ðề: Cantinat : Đi về chân núi xanh

lại 1 nơi nữa đã ra đi.......................
 

poly

Banned
Ðề: Cantinat : Đi về chân núi xanh

Ngoái lại từ góc Givral

picture357h.jpg


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngồi đây ngắm phố xá, bên bức tranh tường sắp bị đập bỏ kia

SGTT - Nhiều du khách nước ngoài đến tham quan Sài Gòn sau khi đọc những cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn, đã tìm đến và ngồi lặng hàng giờ ở một góc càphê Givral (khai sinh từ những năm 50 thế kỷ trước), nhìn ra cửa sổ để thả tưởng tượng về quá khứ.



picture368tv.jpg


“Radio Catinat”

Trong cuốn Một người Việt Nam trầm lặng của nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti, thường trú của tờ Le Monde tại Sài Gòn trước đây viết về điệp viên, nhà báo Phạm Xuân Ẩn, tác giả nhắc nhiều lần đến một góc quán mà ông gọi là “Radio Catinat” (đài phát thanh Catinat – tên của đường Đồng Khởi lúc trước). Có những câu như thế này, xứng đáng được gõ lại bằng máy đánh chữ kiểu cũ trên một nền giấy nhựt trình và dán lên góc khuất của bức tường Givral để tôn thêm chiều sâu cho nội thất của quán: “Radio Catinat là biệt danh mà người ta gán cho tiệm càphê đá Givral ở góc phố Tự Do và đại lộ Lê Lợi. Hai cửa sổ ở phòng tôi ở gác ba khách sạn Continental trông ra quảng trường Nhà hát Thành phố và Givral nằm trong tầm nhìn của tôi. Tiệm càphê Givral đông khách, trong số này có thể kể ra dân biểu hạ viện, nghị sĩ thượng viện, điệp viên, nhà báo, chỉ điểm nhất là người Việt của cảnh sát. Nhà hát Thành phố bên cạnh, nơi đây các dân biểu và nghị sĩ đến tranh luận trong Quốc hội cũng góp phần vào cơ nghiệp của Givral”.


picture405s.jpg



Cũng trong cuốn sách này, ông Pomonti còn kể một chi tiết thú vị: trong số những người phương Tây đầu tiên được phép gặp ông Ẩn vào những năm 90 có một phụ nữ Mỹ, nguyên là phóng viên chiến tranh – bà Laura Palmer. “Bà này gọi Phạm Xuân Ẩn là “Tướng Givral”, có thể hiểu là con người năng lui tới tiệm càphê Givral”.

Hình ảnh điệp viên Phạm Xuân Ẩn đang bước dứt khoát qua những làn kẻ vôi trắng từ khách sạn Continental, nơi đặt văn phòng thường trú báo Time sang càphê Givral, có thể được một đồng nghiệp nào đó chụp từ góc chếch của quán này đã in lại trong cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman (Nguyễn Đại Phượng dịch, NXB Thông Tấn). Vị giáo sư Mỹ, người dám bỏ vài chục năm khám phá sự nghiệp của một điệp viên có sức mạnh làm cho cả nước Mỹ rúng động ấy, đã khám phá ra một tư liệu quý mà sau này ít ai nhắc đến về cái không gian mà vị điệp viên thường hiện diện: “Givral là tiệm càphê của tư nhân, nên CIO muốn vợ ông Phạm Xuân Ẩn đứng ra mua lại tiệm này bằng tiền của CIO. Phạm Xuân Ẩn không muốn tham gia phần nào vào kế hoạch này, tuy nhiên việc đặt máy nghe trộm tiệm càphê Givral vẫn được tiến hành. Theo đó một phần của tiệm càphê Givral được sửa chữa nâng cấp thành quầy kem và càphê sữa nhằm che đậy mục đích thực sự là đặt thiết bị nghe trộm”. Tình tiết trên nảy sinh trong bối cảnh sau hiệp định Paris 1973, biết rằng phái đoàn của chính phủ Cách mạng lâm thời đang ở một khách sạn gần Givral (nay là khách sạn Hyatt), CIO (đặc uỷ Trung ương tình báo chế độ Sài Gòn) đã nảy ra ý định đặt thiết bị ghi âm tại Givral để nghe ngóng những bàn bạc của các đại biểu chính phủ Cách mạng lâm thời về các kế hoạch thành lập “chính phủ liên hợp” của họ.




picture411.jpg


Góc của phồn hoa

Trở lại thực tại của những ngày đầu tháng 4.2010. Một đêm mùa hạ nóng bức, một người Sài Gòn rủ tôi đi nhìn lại lần cuối hình ảnh Givral hoang phế loang lổ trong cuộc “thay màu” quyết liệt diện mạo trung tâm. Dừng chân ở cái vạch vôi, trước mắt tôi là hàng barie sơn đỏ chắn dọc trên vỉa hè. Những cửa sổ đang bị đập toang. Những tranh tường hoài cổ còn gắng gượng neo mình trên lớp vôi bong như cố gắng níu giữ chút màu quá vãng.



picture376rb.jpg


Những tiếng nện búa âm vang đâu đó trong đêm.

Một cuộc giải toả sẽ biến khúc đường này thành đại công trường trong một thời gian rồi trả lại cho nó một diện mạo khác. Bước chân của vị điệp viên, bóng hình Sài Gòn phồn hoa trong ký ức sẽ chìm vào những trang sách. Hình ảnh cửa sổ phồn hoa Sài Gòn ngày cũ cũng nhoè dần trong trí nhớ của một lớp người. Không còn ai để kể. Không còn ai thiết tha lắng nghe. Những dòng xe cộ lại nối nhau lướt qua các khung kính mới với tốc độ nhanh hơn. Vội vàng hơn. Như thể những nhân ảnh ngơ ngác chuồi qua khung kính lấp loáng ngày mưa, không điều gì neo giữ họ lại. Sự hoang trống ký ức sẽ đẩy con người đến một bờ vực sống lạnh trơ, bắt đầu với một không gian, sau là một thành phố, một quê hương và một thế giới. Bên cạnh tôi, vài người khách nước ngoài dừng ở cột đèn đỏ, ngần ngại ngắm nghía những cửa sổ bị đục bỏ trống hoác. Có lẽ họ đã đọc đâu đó về tiệm càphê này. Họ đứng chuyện trò và tranh thủ móc máy ảnh ra chụp vội một vài hình ảnh trước khi đèn xanh mở lên. Đèn flash phả sáng những hốc tối hoang trống và im lìm gạch đất ngổn ngang bên trong góc quán vang bóng một thời.

Cuồng lưu

Có những chiều muộn chưa xa, khi những ô cửa sang trọng phồn hoa kia sáng lên màu đèn đầy ma lực, khi mùi càphê thi thoảng theo hơi máy lạnh hắt ra góc đường, chắc cũng làm lắm kẻ nghèo xơ nuôi mơ mộng có ngày được bước chân vào đó ngồi nghe nhịp chậm của tách càphê phin và ngắm nắng mưa về qua dòng người trôi vô thanh bên ngoài.



picture383m.jpg


Có một buổi sáng nào trong tương lai gần, có một kẻ lẩn trong dòng người bộn bề kia, chợt giật mình nhớ ra mình vừa bị truất mất một điểm nhìn khi qua đây, xa hơn, hắn ta bị truất hữu ký ức, không gian cho suy tưởng, hay giản đơn là bị lạc mất một ước mơ, một ngưỡng vọng có phần phù phiếm nhưng có khi là động lực để sống thanh lịch hơn.

Đèn đỏ. Rồi đèn xanh. Từng dòng, từng lớp người qua. Vội vội.

Điều gì đang xảy ra bên dưới dòng chảy này? Một cuồng lưu hung hãn cuốn mọi thứ trôi đi đến nỗi không kịp ngoái lại!

Nguyễn Vĩnh Nguyên
http://sgtt.com.vn/Detail45.aspx?ColumnId=45&newsid=65340&fld=HTMG/2010/0406/65340



P/S :
nhờ mod sửa dùm tiêu đề là Catinat
 
Chỉnh sửa lần cuối:

dragonlee

Well-Known Member
Ðề: Catinat : Đi về chân núi xanh

Bài viết đầy cảm xúc, thanks bác Poly đã chia sẻ.
Trước sống trong Sg, buổi sáng em hay ngồi cafe quán ông già đối diện Mưa Rừng cùng mấy anh bạn bên truyền hình và hoạ sĩ thành phố. Giờ mới biết chỗ này, chưa ngồi bao giờ nhưng đọc bài đầu tiên cũng thấy có cảm xúc.
Xã hội càng phát triển thì càng nhiều cảm xúc tương tự xảy ra, nét hiện đại mới mẻ sẽ dần thay thế nét nhẹ nhàng lịch sử. Rồi chỉ còn lại những kỹ ức và những tấm hình.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên