Trong lịch sử kinh doanh Mỹ, chỉ có hai công ty đạt giá nghìn tỉ USD. Đầu tiên là Apple, vượt mốc này vào ngày 2.8 và giữ ngôi nghìn tỉ đô trong đúng ba tháng trước khi hạ xuống còn 986,6 tỉ USD sau ngày giao dịch 2.11. Thứ nhì là Amazon, công ty kém may mắn hơn khi chỉ giữ ngôi nghìn tỉ đô được chưa đến một ngày hồi tháng 9.
Cột mốc nghìn tỉ USD mà hai cái tên trên đạt được là lời nhắc ngành công nghệ đã và đang thống trị kinh tế Mỹ như thế nào. Nó cũng đánh dấu một thập niên xã hội và doanh nghiệp Mỹ thay đổi ấn tượng. Giờ đây, Thung lũng Silicon bắt đầu lo lắng về chuyện ngành công nghệ đã chạm mốc đỉnh điểm và bắt đầu lao dốc.
Apple mất khoảng 20% vốn hóa kể từ ngày lên cao nhất, trong khi Amazon thì giảm 26%. Tuần này, cổ phiếu Apple tiếp tục hạ thêm. Phố Wall quay lưng với cả ngành công nghệ Mỹ trong quý này, khi Alphabet, Facebook và Netflix đều giảm bằng hoặc hơn 20% từ mốc cao kỷ lục.
Đây không chỉ là chuyển động thị trường. Sức tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất đang chậm lại. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý gần nhất, Apple thông báo họ sẽ không tiếp tục công bố số lượng iPhone bán ra. Doanh số bán lẻ trực tuyến của Amazon tăng chậm trong bốn quý liên tiếp, với sức tăng trưởng thành viên đăng ký dịch vụ Prime thấp. Mảng mạng xã hội chính của Facebook thì vướng không ít bê bối, tăng trưởng chậm đi đáng kể và phải dựa vào các dịch vụ khác như Instagram để kiếm lời.
Đây là thời điểm tốt để dừng lại và thừa nhận rằng loạt dự báo ngành công nghệ đạt đỉnh, chuẩn bị lao dốc đã sai lầm trong vài năm qua. Năm 2012, nhiều người cảnh báo Facebook sẽ trượt dài vì hãng không có khả năng thích ứng với smartphone, tăng trưởng của Apple sẽ gặp khó vì thách thức từ kinh tế. Năm đó, nhiều nhà báo, doanh nhân và chuyên gia kinh tế tranh luận về bong bóng ngành công nghệ. Họ tiếp tục làm thế trong năm 2013, 2014, 2015, 2016 và 2017.
Song thực tế thì ngược lại. Các hãng công nghệ hàng đầu tiếp tục thành công ngoài sức tưởng tượng. Thời gian qua, không nhiều doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn như Apple, Amazon hay Google của Alphabet. Song hiện giờ, tăng trưởng giảm tốc là chuyện không thể tránh khỏi, giám đốc hoạt động Crawford del Prete của hãng nghiên cứu IDC cho hay.
Không phải ngẫu nhiên mà sự thống trị gia tăng của ngành công nghệ đi cùng với mối lo về sức nặng của ngành này đối với kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị thế giới. Những lời chỉ trích lớn cùng với quy mô doanh nghiệp. Dù hiện chưa có quy định mới và lớn nào áp đặt lên các hãng công nghệ Mỹ, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc này.
Tại châu Âu và Mỹ, nhiều người kêu gọi chính phủ hành động chống độc quyền để cản các hãng công nghệ sử dụng sức mạnh của mình, thâm nhập vào nhiều mảng kinh doanh mới ở các vị trí thống trị. Ông Del Prete dự báo giới công ty công nghệ lớn, rủng rỉnh tiền sẽ xem xét thâu tóm và sáp nhập nhiều hơn khi doanh nghiệp trưởng thành, khiến họ lún sâu hơn vào các tình huống chính trị căng thẳng. “Những doanh nghiệp này từng được khen ngợi vì thay đổi thế giới. Tôi cho rằng chương tiếp theo sẽ là vấn đề về độc quyền”, ông Del Prete cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng hoài nghi về sức mạnh thị trường mà Google, Amazon có được, song chính phủ Mỹ hiện chưa có kế hoạch chắc chắn nào về việc chống độc quyền trong ngành. Giáo sư David Yoffie thuộc Harvard Business School, đồng tác giả quyển The Business of Platforms, cho rằng mâu thuẫn sẽ diễn ra chủ yếu ở châu Âu chứ không phải Mỹ. Quy định về quyền riêng tư hoặc thông tin sai sẽ thắt chặt lợi nhuận nhiều công ty.
Matt Stoller, giám đốc chính sách tại Viện Thị trường mở, nhóm thúc đẩy nhiều động thái chống độc quyền mạnh mẽ, kết luận môi trường hiện tại mới chỉ là sự bắt đầu của cuộc chiến chống sức mạnh của các hãng công nghệ lớn. Các hãng này chỉ mới "chạy đến vách đá" chứ chưa "nhìn xuống".
Theo Thanh Niên