Các công ty công nghệ Trung Quốc tìm cách lách 'luật Apple'

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Tuy Apple chuẩn bị ra mắt chính sách quyền riêng tư mới, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc tiếp tục tìm cách theo dõi người dùng iPhone, kể cả khi người dùng không cho phép.


Theo Ars Technica, một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang thử nghiệm công cụ vượt “tường” bảo mật thông tin người dùng mới của Apple. Về cơ bản, công cụ có thể giúp các ứng dụng như TikTok tiếp tục theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng iPhone mà không cần xin sự đồng ý từ họ.

Trong tuần tới, Apple sẽ chính thức tung ra chính sách bảo vệ người dùng mới của hãng. Từ đó, các ứng dụng được yêu cầu phải xin phép người dùng nếu muốn thu thập dữ liệu của họ. Thay đổi này được cho là đòn chí mạng, dự kiến ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến.

Giải pháp của Trung Quốc

Đáp lại động thái này, Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc (CAA) đã phát triển một công cụ mang tên CAID. Hiện tại, công cụ này đang được nhiều công ty công nghệ và quảng cáo tại Trung Quốc thử nghiệm rộng rãi.

Theo Financial Times, ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok, đã đề cập đến CAID trong một bản hướng dẫn dài 11 trang dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Cụ thể, ByteDance gợi ý cho các nhà quảng cáo sử dụng công cụ CAID trong trường hợp mã nhận dạng quảng cáo (IDFA) của người dùng không khả dụng.

Mã nhận dạng quảng cáo IDFA là một tính năng có trên iOS, cho phép nhà phát triển thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo tới khách hàng chính xác hơn. Sau khi phát hành chính sách riêng tư mới, người dùng iPhone sẽ có quyền quyết định cho phép ứng dụng lấy mã IDFA hay không.


Chính sách mới của Apple chưa giải quyết triệt để vấn đề quyền riêng tư. Ảnh: AP.

Nguồn tin thân cận với Tencent và ByteDance đều xác nhận quá trình thử nghiệm này. Tuy nhiên, cả hai công ty đều từ chối bình luận.

Tương tự, nhà sản xuất iPhone đến từ Cupertino từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Trong một động thái, Apple cho biết họ sẽ không để xảy ra bất cứ trường hợp ngoại lệ nào.

“Các điều khoản và nguyên tắc trên App Store áp dụng bình đẳng với tất cả nhà phát triển trên toàn thế giới, bao gồm cả Apple. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng người dùng nên được hỏi ý kiến trước khi bị theo dõi. Các ứng dụng đi ngược xu hướng này sẽ bị loại bỏ”, Apple thông báo.

Theo nguồn tin quen thuộc với tình huống này, Apple có khả năng phát hiện ứng dụng nào đang sử dụng công cụ vượt “tường” mới và chặn khỏi App Store Trung Quốc nếu họ muốn.

“Họ không thể cấm mọi ứng dụng ở Trung Quốc. Nếu họ làm vậy, Apple có thể sẽ bị đuổi khỏi Trung Quốc”, Zach Edwards, người sáng lập Victory Medium, một công ty tư vấn công nghệ, cho biết.

Tuy chưa đưa ra động thái cụ thể, 3 nguồn tin trong ngành cho biết Apple sẽ cảnh giác với những hành động sử dụng công cụ CAID ở Trung Quốc.

Liệu có ngoại lệ cho các công ty Trung Quốc?

Theo gợi ý từ Rich Bishop, lãnh đạo của AppInChina, nhà xuất bản phần mềm quốc tế hàng đầu tại Trung Quốc, Apple có thể “tạo một ngoại lệ cho Trung Quốc” vì các công ty công nghệ và chính phủ thường có mối quan hệ “liên kết chặt chẽ với nhau”.

Trong khi đó, Yang Congan, lãnh đạo của Digital Union, một công ty bảo mật dữ liệu có trụ sở ở Bắc Kinh, tin rằng công cụ CAID sẽ vẫn tuân theo bộ quy tắc của Apple.


Các ứng dụng sẽ phải xin phép người dùng trước khi thu thập dữ liệu cá nhân. Ảnh: Business Insider.

Đồng quan điểm, CAA tuyên bố công cụ CAID không được tạo ra để chống lại chính sách quyền riêng tư của Apple. Bên cạnh đó, hiệp hội đang tích cực trao đổi với Apple cũng như chưa triển khai chính thức giải pháp CAID.

Công cụ CAID đang trong giai đoạn thử nghiệm miễn phí cho một số công ty những tháng gần đây. Một số nguồn tin thông báo Apple đã biết công cụ này, tuy nhiên cho đến nay, “táo khuyết” vẫn làm ngơ trước tình trạng sử dụng nó.

Hệ thống CAID vốn dành cho các nhà phát triển ứng dụng tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, một nhóm phát triển của Pháp đã được khuyến khích đăng ký sử dụng công cụ này dựa theo chi nhánh tại đây.

“Quá nhiều khoản tiền bị đe dọa. Sẽ luôn có một cuộc chạy đua công nghệ với mục tiêu theo dõi người tiêu dùng. Chỉ có luật pháp mới có thể khiến nó dừng lại”, Dina Srinivasan, một học giả chống độc quyền có trụ sở tại Mỹ, cho biết vấn đề này là minh chứng cho thấy chính sách mới của Apple không thể giải quyết tận gốc vấn đề quyền riêng tư.

Nguồn: ICTNews​
 
Bên trên