scotty
Well-Known Member
Nhân Microsoft vừa phát hành bản dùng thử Windows 8 đầu tiên dành cho người dùng, trang tin Business Insider (BI) hôm nay đã đăng một bài nhận định về tương lai của Windows 8. Theo BI, Windows 8 ra đời trong bối cảnh phải chống chọi với 3 mối đe dọa cùng một lúc: iPad, Mac, và khối doanh nghiệp. Nhưng dù trong tình huống xấu nhất, Windows 8 chắc chắn vẫn sẽ bán được hàng trăm triệu bản, và tạo ra hàng chục tỷ lợi nhuận cho Microsoft.
Sau đây là các tình huống giả định mà BI đưa ra.
Windows 8 với iPad
iPad hiện đang chiếm 17% toàn thị phần PC và cũng đang bán chạy hơn dòng máy PC để bàn. Còn các dòng máy tính bảng chạy các phiên bản Windows cũ lại lẹt đẹt về doanh số bán ra. Đó là nguyên nhân nảy sinh ra cái tính năng chính của Windows 8 là giao diện Metro, được thiết kế đặc biệt dành cho màn hình cảm ứng.
Nhưng Microsoft còn đang lên kế hoạch phát hành phiên bản Windows riêng và chỉ dành cho các loại chip tiêu thụ điện năng thấp trong hầu hết các dòng máy tính bảng hiện nay, điển hình là chip xử lý ARM.
Phát hành hai loại máy tính bảng như thế vào cùng thời điểm sẽ có nhiều rủi ro:
- Windows chạy ARM có thể phát hành trễ hơn Windows 8. Nhưng "mục tiêu" của Microsoft là phải phát hành cả 2 phiên bản vào cùng thời điểm. Nếu hãng không đạt được mục tiêu này, máy tính bảng Windows 8 khi xuất hiện đầu tiên sẽ phải chạy chip nền tảng Intel, và điều này có nghĩa là sản phẩm đó của hãng có thể sẽ không cạnh tranh nổi với thời lượng pin của iPad.
- Người tiêu dùng có thể bị phân vân. Windows chạy máy tính bảng nền tảng ARM sẽ không chạy được các ứng dụng cũ, khiến loại bỏ đi một trong những lợi thế lớn mang tính truyền thống của Windows. Microsoft cho biết là hãng sẽ gắn nhãn cho 2 loại máy tính bảng một cách rõ ràng, nhưng kiểu gắn nhãn đó đã không hiệu quả lắm trước đây, mà điển hình là với Windows Vista.
- Các nhà sản xuất phần cứng có thể sẽ không đọ lại iPad về mặt kiểu dáng, chất lượng hoặc marketing. Mặc dù Microsoft có thể cung cấp các chỉ dẫn và thông số cấu hình cho máy tính bảng Windows, nhưng cái đích thì vẫn phải trông cậy vào các đối tác sản xuất phần cứng kia để sản xuất và bán ra. HP, Lenovo, Acer cũng như các hãng còn lại sẽ phải nỗ lực cho nhiều vào thì mới hy vọng.
Giả định cho tình huống tồi tệ nhất:
Máy tính bảng Windows chịu cùng chung số phận như mọi dòng máy tính bảng khác, ngoại trừ iPad. Đó là tất cả các loại máy tính bảng Android, HP TouchPad và RIM BlackBerry Playbook.
Hoặc một giả định tồi tệ theo hướng khác là, máy tính bảng có thể chịu cùng chung số phận như mảng smartphones, hiện đang lạch đạch thua kém sau người ta đến 3 năm. Sau hơn 1 năm trên thị trường điện thoại, Windows Phones vẫn còn kẹt ở thị phần dưới 2%.
Nghe có vẻ thảm họa đấy, nhưng điều đó hiển nhiên chưa thể xảy ra trong một sớm một chiều, do là Microsoft rất có thể vẫn còn chinh chiến rất tốt ở mảng PC truyền thống.
Windows 8 với Mac
Windows 8 còn phải lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua laptop hoặc máy tính để bàn, mà hiện đang xoay qua chọn Mac thay vì PC.
Quý 4 năm ngoái, Gartner đã nhận thấy tổng doanh số PC toàn cầu đã giảm 1,4% so với Quý 4 năm 2010, tức giảm đến 92 triệu đơn vị. Microsoft cho rằng doanh số PC tiêu dùng thậm chí còn giảm nhanh hơn thế, khoảng 6% vào Quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, doanh số Mac trong Quý vừa rồi đã tăng lên 26% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 5,2 triệu đơn vị.
Để hấp dẫn người dùng máy PC truyền thống, Windows 8 buộc phải tương thích tốt với ứng dụng cũ và còn phải tích hợp thêm cả giao diện desktop truyền thống "ẩn" dưới giao diện Metro mới mẻ.
Về mặt này, Microsoft có một cơ hội tốt hơn. Thứ nhất, gần như mỗi phiên bản Windows cũ đã tạo nên một cú huých về doanh số PC nhờ tâm lý người tiêu dùng thích đổ xô mua và dùng hàng mới nhất, hay nhất. Chẳng hạn như doanh số PC đã từng tăng gần 14% trong 2010 vào thời điểm Windows 7 đã trưởng thành, sau khi ra mắt vào cuối năm 2009. Doanh số PC tăng cũng nhờ 1 phần trợ lực từ việc nền kinh tế lúc đó cũng đã hồi phục.
Thứ hai, nhờ các nhà sản xuất PC biết cách thiết kế và bán các dòng máy tính chạy Windows cũng như các kênh phân phối bán hàng của họ được tổ chức tốt, v.v...
Theo đó, một cú huých tương tự như thế hầu như chắc chắn sẽ xảy ra lần nữa trong vài Quý đầu trên thị trường.
Giả định cho tình huống tồi tệ nhất:
Cú huých đó sẽ giảm nhiệt mau chóng, và máy tính bảng Windows không thể làm nên cơm cháo gì. Cho đến trước 2014, thị trường PC chạy Windows có thể gặp tình trạng giảm cầu, giảm thêm 5% hoặc hơn trong từng năm.
Windows 8 với khối doanh nghiệp
Mối đe dọa lớn nhất đối với Windows dành cho khối doanh nghiệp chính là ở các chữ "vừa đủ tốt". Doanh nghiệp nào gần đây trang bị hệ thống PC mới chạy Windows 7 có thể sẽ không thấy có lý do gì để mà nâng cấp lên Windows 8.
Trong khi đó Microsoft mới bắt đầu đề cập về việc cung ứng Windows 8 cho khối doanh nghiệp nhưng chỉ tập trung vào các điểm như bảo mật và truy xuất từ xa. Và cho đến nay, 2 điểm này nghe có vẻ là những cải tiến phụ trợ cơ bản, chứ chưa có gì đặc biệt hơn để khiến các doanh nghiệp đùng một cái loại bỏ hệ thống PC cũ đi và thay toàn bộ bằng hàng mới cứng.
Tuy vậy, xét về viễn cảnh của Microsoft thì vẫn còn khá lạc quan. Hãng đã chỉ ra rằng, chỉ mới có 1/3 doanh nghiệp đã nâng cấp lên Windows 7, và 2/3 còn lại có thể sẽ thay thế hệ thống PC cũ theo một chu kỳ làm mới thông thường là từ 3-5 năm một lần; họ có thể chọn Windows 7 trước, nhưng Microsoft vẫn còn thu lợi từ việc bán bản quyền sử dụng Windows.
Đó có thể là lý do vì sao doanh số PC bán ra cho khối doanh nghiệp đã tăng lên 5% vào Quý vừa rồi so với cùng kỳ năm trước.
Giả định cho tình huống tồi tệ nhất:
Các doanh nghiệp có thể sẽ gia tăng chu kỳ nâng cấp PC lâu hơn, để dành tập trung đầu tư vào việc hỗ trợ các nhân viên hiện đang sử dụng các thiết bị không phải nền tảng Windows (như iPad và smartphone) để làm việc. Trong tình huống này, doanh số PC phân khúc doanh nghiệp có thể chững lại hoặc thậm chí giảm xuống trước 2013.
Tồi tệ đến mấy thì cũng chưa phải là hồi kết
Tức là, cho dù Windows 8 dính "chưởng" tình huống tồi tệ nhất ở cả 3 mối đe dọa nói trên.
Nếu xét bài toán doanh số PC có thể chững lại hoặc giảm xuống gần như trong cả năm 2012, và tăng lên đâu khoảng 10% trong 2013 nhờ Windows 8 bắt đầu phổ dụng, nhưng sau đó lại bắt đầu giảm lại trong năm 2014.
Thì kết quả giả định sẽ đạt được như sau:
- Năm 2012: 350 triệu bản
- Năm 2013: 385 triệu bản
- Năm 2014: 380 triệu bản
Với kết quả giả định đó, coi như Microsoft vẫn sẽ bán được hơn 1 tỷ bản Windows có bản quyền trong vòng 3 năm tới. Tất nhiên, không phải tất cả số đó đều là Windows 8 (tức là tính cả Windows 7 hoặc cũ hơn), nhưng tiền gì cũng là tiền và Microsoft vẫn tiếp tục đút túi ngon lành.
Đây cũng là dẫn chứng cho việc sếp tổng của Microsoft là ông Steve Ballmer khẳng khái nói rằng, Microsoft "sẽ mãi" trong thời đại Windows.
Nói gì thì nói, quá khứ chưa chắc là sự đảm bảo cho hiệu quả tương lai. Biết đâu có thời điểm doanh số PC sụt giảm nhanh hơn ở mức chưa từng có, rồi thì nói quẩy là nền kinh tế lại suy sụp lần nữa.
Là một người khổng lồ dày dạn kinh nghiệm suốt hơn 20 năm qua, Microsoft tất yếu biết cách làm cho Windows luôn hợp thời và phổ dụng ở từng thế hệ. Còn thập niên tới thì sao, ai mà biết sẽ còn thay đổi mức độ và kiểu gì nữa.
Theo Business Insider
Chỉnh sửa lần cuối: