Big Tech tiếp tục gặp khó tại châu Âu với dự luật mới

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các gã khổng lồ công nghệ thế giới sẽ đối mặt với án phạt nặng nề và kiểm soát mạnh hơn như một phần của quy định mới tại EU.



Ủy ban Châu Âu (EC) hôm 15/12 công bố hai dự luật mới, ảnh hưởng đến hoạt động của Big Tech. Khu vực này từ lâu đã lo ngại về quyền lực của những hãng công nghệ lớn và tác động đối với cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act) muốn xử lý các hành vi cản trở cạnh tranh này. Một trong các thay đổi tiềm năng là chấm dứt “tự ưu tiên”. Tự ưu tiên là hành vi mà chẳng hạn, khi tìm kiếm ứng dụng trên iPhone hay iPad, kết quả sẽ hiển thị dịch vụ do Apple phát triển. EU muốn nhà phát triển ứng dụng nhỏ cũng có cơ hội được người dùng tìm ra và lựa chọn.

Tiền phạt lớn

Các thay đổi khác bao gồm: những công ty như Apple và Google phải cho phép người dùng gỡ các ứng dụng được cài sẵn trên thiết bị và phải chia sẻ miễn phí với nhà quảng cáo, nhà xuất bản về các số liệu đo lường hiệu quả.

Nếu không tuân thủ, họ có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu thường niên trên toàn cầu. Một quan chức cao cấp EU giấu tên cho biết, mục đích của luật mới là thực thi các biện pháp khiến doanh nghiệp phải thay đổi hành vi, thay vì liên tục phạt họ.

Cưỡng ép thoái vốn

EU thậm chí có thể cưỡng ép các công ty phải thoái vốn nếu vi phạm luật mang tính hệ thống. Quan chức nói trên cho biết, điều đó chỉ xảy ra nếu không có biện pháp nào khác.

Ngoài ra, EU còn giới thiệu dự luật thứ hai mang tên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act). Nó được xây dựng để xử lý nội dung xấu độc và bất hợp pháp bằng cách yêu cầu các nền tảng nhanh chóng gỡ bỏ. Những công ty không làm theo cũng bị phạt nặng.

Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager cho biết, hai đề xuất nhằm phục vụ mục tiêu kép. Đó là bảo đảm người dùng có quyền tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn trên mạng. Doanh nghiệp được hoạt động tự do tại châu Âu và cạnh tranh sòng phẳng trên mạng giống như họ kinh doanh ngoài đời.

Hai dự luật phải được các chính phủ và nhà lập pháp châu Âu phê duyệt, tuy nhiên các chuyên gia chính sách đánh giá, nó sẽ được ứng dụng nhanh hơn thông thường tại EU. Bà Vestager hi vọng, quy định mới sẽ có hiệu lực càng sớm càng tốt, song có thể mất khoảng 2 năm.

Theo ICT News​
 

nguyentrungthanh

Well-Known Member
Cũng đúng, dự luật này sẽ là cơ hội cho các nhà phát triển, nhà doanh nghiệp nhỏ tiếp cận ít bị chèn ép, khó khăn hơn trước những ông lớn công nghệ, nhìn chung cũng rất công bằng.
 
Bên trên