HaThao
Film critic
Ben-Hur (2016) là ví dụ điển hình cho việc vì sao không nên remake các bộ phim kinh điển.
Năm 1960, bộ phim sử thi Ben-Hur: The Tale of Christ do Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) sản xuất đã làm nên lịch sử khi trở thành tác phẩm đầu tiên đoạt 11 giải Oscar, bao gồm phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất, cùng với 7 giải khác ở các hạng mục dựng phim, quay phim và kỹ thuật.
Vào thời điểm đó, Ben-Hur là bộ phim được đầu tư kinh phí khổng lồ, hơn 15 triệu đôla Mỹ, tương đương 125 triệu bây giờ. Bộ phim có bối cảnh hoành tráng và chi tiết, quy tụ 10.000 diễn viên quần chúng cùng hàng trăm ngàn con ngựa và lạc đà. Cảnh đua xe ngựa kéo dài 9 phút đã trở thành một trong những trường đoạn đáng nhớ nhất lịch sử điện ảnh, và ảnh hưởng rất lớn đến các bộ phim cùng thể loại sau này. Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ đánh giá Ben-Hur (1959) là bộ phim có “giá trị văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ quan trọng”.
MGM là hãng phim đã sản xuất 3 phiên bản Ben-Hur, ngoài bản 1959 nói trên còn bản 1925 cũng rất thành công, và giờ là bản 2016. Với lịch sử như vậy, khán giả có quyền hy vọng bộ phim remake mới cũng có chất lượng tương tự.
Ben-Hur là câu chuyện về 2 anh em nuôi (trong phim cũ là 2 người bạn thân) Judah - một hoàng tử Do Thái, và Messala - một thanh niên La Mã mồ côi. Messala đầu quân vào quân đội La Mã và thăng tiến nhanh chóng. Khi Roma hành quân qua Jerusalem, viên tướng dẫn đầu đoàn quân đã bị thương khi đi qua trước nhà Judah. Dù biết đây không phải là lỗi của Judah, Messala vẫn kết tội người anh nuôi. Kết cục là Judah bị đày làm nô lệ, còn gia đình anh không rõ số phận ra sao. Sau nhiều năm làm nô lệ chèo thuyền trên tàu chiến Roma, Judah quay trở lại, quyết tâm trả thù Messala.
Ben-Hur (2016) vẫn là bộ phim về sự phản bội, có điều lần này người bị phản bội là khán giả!
Ben-Hur tân thời chỉ có vỏ bọc hào nhoáng của kỹ xảo điện ảnh, còn nội dung bên trong, cái hồn của cả bộ phim, thì rỗng tuếch. Nếu trông đợi một tác phẩm sử thi có giá trị như phiên bản 1959, bạn chắc chắn sẽ thất vọng, còn nếu bạn chỉ tìm một phim giải trí xem giết thời gian, thì Ben-Hur là lựa chọn không đến nỗi tồi.
Như vừa nói ở trên, điểm nổi bật nhất của bộ phim này là kỹ xảo. Cảnh thuỷ chiến dữ dội trên biển, khi những người nô lệ gồng người đẩy tay chèo trong tiếng gươm đao chát chúa, sóng biển và máu người không ngừng tuôn; hay cảnh cuộc đua xe ngựa căng thẳng trên đấu trường tung bụi vàng mù mịt, từng chiếc xe lần lượt văng lên, vỡ tung trên đường chạy… đều khiến khán giả thót tim, căng mắt theo dõi. Phần hình ảnh chính là chiếc đũa thần trị giá 100 triệu đô đã biến Ben-Hur từ túp lều rách thành đấu trường.
Còn về phần nội dung, bộ phim mới đã làm một việc vô cùng mạo hiểm là sửa lại cốt truyện ban đầu. Trong bản năm 1959, Mesala hoàn toàn là một kẻ phản bội, và hành trình của Judah tập trung vào việc hồi hương và trả thù. Chính vì cấu trúc chính diện - phản diện rạch ròi như vậy nên bộ phim khó lạc lối, hơn nữa còn có thời gian đầu tư vào những tình huống đắt giá.
Trong phim mới, biên kịch đã cố gắng hướng sự phản bội thành hiểu lầm, là ép bộ phim đi vào cái kết có hậu. Cả phim đầy những tình huống gượng ép và ngu ngốc đến bực mình, nhiều lúc người xem chỉ muốn thốt lên, “Trời ơi ngu cho chết!”. Và xin đừng nói về giá trị tôn giáo trong bộ phim này, bởi nó ở mức đâu đó dưới 0.
Có lẽ điều tiến bộ nhất của phiên bản mới này là tuyển chọn dàn diễn viên đóng các nhân vật Do Thái có ngoại hình rất Do Thái, ví dụ như tài tử Jack Huston trong vai Judah, và cô đào người Iran Nazanin Boniadi trong vai người vợ Esther. Dàn diễn viên của phim phải nói là rất đẹp, rất hợp với tạo hình, nhưng chỉ đến thế mà thôi, chứ diễn xuất thì mờ nhạt, bảo là tròn vai thôi cũng ngượng miệng. Nói cho ngay, tâm lý nhân vật không có lấy một sự tiến triển nào thì bảo diễn viên diễn cho hay cũng khó.
Ngôi sao duy nhất của bộ phim, theo mọi nghĩa, là cây đa cây đề Morgan Freeman. Ông lão gần 80 này chỉ cần xuất hiện trên màn ảnh là đã thổi hồn cho cả bộ phim rồi. Chính vì hào quang quá lớn này mà ngay từ giây phút đầu tiên khi nhân vật thương gia Ilderim của ông lộ diện, Judah của Jack Huston coi như chìm nghỉm.
Chỉ đạo phim này là đạo diễn người Nga Timur Bekmambetov, người không có phim nào đáng chú ý ngoại trừ Wanted (do Angelina Jolie đóng chính). MGM đã chơi một nước cờ mạo hiểm khi thay đổi cốt truyện, và đi một nước cũng mạo hiểm không kém với việc thuê Bekmambetov.
Kết quả ván cờ này thế nào thì khán giả google cũng thấy. IMDb 4.7, Rotten Tomatoes 30%, Metacritic 36/100. CGI hào nhoáng cũng không thể cứu bộ phim này. Nó vấp váp quá nhiều. Nếu có một cuộc đua của các phiên bản Ben-Hur, thì bộ phim này sẽ bỏ mạng ngay từ lúc chưa thắng ngựa.
Năm 1960, bộ phim sử thi Ben-Hur: The Tale of Christ do Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) sản xuất đã làm nên lịch sử khi trở thành tác phẩm đầu tiên đoạt 11 giải Oscar, bao gồm phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất, cùng với 7 giải khác ở các hạng mục dựng phim, quay phim và kỹ thuật.
Vào thời điểm đó, Ben-Hur là bộ phim được đầu tư kinh phí khổng lồ, hơn 15 triệu đôla Mỹ, tương đương 125 triệu bây giờ. Bộ phim có bối cảnh hoành tráng và chi tiết, quy tụ 10.000 diễn viên quần chúng cùng hàng trăm ngàn con ngựa và lạc đà. Cảnh đua xe ngựa kéo dài 9 phút đã trở thành một trong những trường đoạn đáng nhớ nhất lịch sử điện ảnh, và ảnh hưởng rất lớn đến các bộ phim cùng thể loại sau này. Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ đánh giá Ben-Hur (1959) là bộ phim có “giá trị văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ quan trọng”.
MGM là hãng phim đã sản xuất 3 phiên bản Ben-Hur, ngoài bản 1959 nói trên còn bản 1925 cũng rất thành công, và giờ là bản 2016. Với lịch sử như vậy, khán giả có quyền hy vọng bộ phim remake mới cũng có chất lượng tương tự.
Ben-Hur là câu chuyện về 2 anh em nuôi (trong phim cũ là 2 người bạn thân) Judah - một hoàng tử Do Thái, và Messala - một thanh niên La Mã mồ côi. Messala đầu quân vào quân đội La Mã và thăng tiến nhanh chóng. Khi Roma hành quân qua Jerusalem, viên tướng dẫn đầu đoàn quân đã bị thương khi đi qua trước nhà Judah. Dù biết đây không phải là lỗi của Judah, Messala vẫn kết tội người anh nuôi. Kết cục là Judah bị đày làm nô lệ, còn gia đình anh không rõ số phận ra sao. Sau nhiều năm làm nô lệ chèo thuyền trên tàu chiến Roma, Judah quay trở lại, quyết tâm trả thù Messala.
Ben-Hur (2016) vẫn là bộ phim về sự phản bội, có điều lần này người bị phản bội là khán giả!
Ben-Hur tân thời chỉ có vỏ bọc hào nhoáng của kỹ xảo điện ảnh, còn nội dung bên trong, cái hồn của cả bộ phim, thì rỗng tuếch. Nếu trông đợi một tác phẩm sử thi có giá trị như phiên bản 1959, bạn chắc chắn sẽ thất vọng, còn nếu bạn chỉ tìm một phim giải trí xem giết thời gian, thì Ben-Hur là lựa chọn không đến nỗi tồi.
Như vừa nói ở trên, điểm nổi bật nhất của bộ phim này là kỹ xảo. Cảnh thuỷ chiến dữ dội trên biển, khi những người nô lệ gồng người đẩy tay chèo trong tiếng gươm đao chát chúa, sóng biển và máu người không ngừng tuôn; hay cảnh cuộc đua xe ngựa căng thẳng trên đấu trường tung bụi vàng mù mịt, từng chiếc xe lần lượt văng lên, vỡ tung trên đường chạy… đều khiến khán giả thót tim, căng mắt theo dõi. Phần hình ảnh chính là chiếc đũa thần trị giá 100 triệu đô đã biến Ben-Hur từ túp lều rách thành đấu trường.
Còn về phần nội dung, bộ phim mới đã làm một việc vô cùng mạo hiểm là sửa lại cốt truyện ban đầu. Trong bản năm 1959, Mesala hoàn toàn là một kẻ phản bội, và hành trình của Judah tập trung vào việc hồi hương và trả thù. Chính vì cấu trúc chính diện - phản diện rạch ròi như vậy nên bộ phim khó lạc lối, hơn nữa còn có thời gian đầu tư vào những tình huống đắt giá.
Trong phim mới, biên kịch đã cố gắng hướng sự phản bội thành hiểu lầm, là ép bộ phim đi vào cái kết có hậu. Cả phim đầy những tình huống gượng ép và ngu ngốc đến bực mình, nhiều lúc người xem chỉ muốn thốt lên, “Trời ơi ngu cho chết!”. Và xin đừng nói về giá trị tôn giáo trong bộ phim này, bởi nó ở mức đâu đó dưới 0.
Có lẽ điều tiến bộ nhất của phiên bản mới này là tuyển chọn dàn diễn viên đóng các nhân vật Do Thái có ngoại hình rất Do Thái, ví dụ như tài tử Jack Huston trong vai Judah, và cô đào người Iran Nazanin Boniadi trong vai người vợ Esther. Dàn diễn viên của phim phải nói là rất đẹp, rất hợp với tạo hình, nhưng chỉ đến thế mà thôi, chứ diễn xuất thì mờ nhạt, bảo là tròn vai thôi cũng ngượng miệng. Nói cho ngay, tâm lý nhân vật không có lấy một sự tiến triển nào thì bảo diễn viên diễn cho hay cũng khó.
Ngôi sao duy nhất của bộ phim, theo mọi nghĩa, là cây đa cây đề Morgan Freeman. Ông lão gần 80 này chỉ cần xuất hiện trên màn ảnh là đã thổi hồn cho cả bộ phim rồi. Chính vì hào quang quá lớn này mà ngay từ giây phút đầu tiên khi nhân vật thương gia Ilderim của ông lộ diện, Judah của Jack Huston coi như chìm nghỉm.
Chỉ đạo phim này là đạo diễn người Nga Timur Bekmambetov, người không có phim nào đáng chú ý ngoại trừ Wanted (do Angelina Jolie đóng chính). MGM đã chơi một nước cờ mạo hiểm khi thay đổi cốt truyện, và đi một nước cũng mạo hiểm không kém với việc thuê Bekmambetov.
Kết quả ván cờ này thế nào thì khán giả google cũng thấy. IMDb 4.7, Rotten Tomatoes 30%, Metacritic 36/100. CGI hào nhoáng cũng không thể cứu bộ phim này. Nó vấp váp quá nhiều. Nếu có một cuộc đua của các phiên bản Ben-Hur, thì bộ phim này sẽ bỏ mạng ngay từ lúc chưa thắng ngựa.