Thực ra những khái niệm này bạn hỏi anh google thì kết quả cũng có rất nhiều, tuy nhiên những bài viết đó thường rất khó hiểu. Bắt đầu từ hôm nay, nếu các bạn ủng hộ, mình sẽ dịch kết hợp với kiến thức cá nhân để khái quát lại những kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh. Một mặt là cung cấp thông tin đến bạn đọc, mặt khác cũng là cách rà soát lại kiến thức của bản thân.
Khái niệm
Độ sâu trường ảnh (DOF) gọi nôm na là vùng trước và sau điểm đúng nét. Trong vùng rõ nét đó sẽ có một điểm sắc nét nhất. Bạn hay nghe đến khái niệm DOF dày hay mỏng đúng không? DOF dày có nghĩa là vùng nét rất sâu (thường thấy ở những bức hình chụp phong cảnh), DOF mỏng nghĩa là khoảng nét rất nhỏ. DOF mỏng thường thấy ở những bức hình “gái teen xóa phông”.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến DOF: Độ mở ống kính (khẩu độ), khoảng cách từ chủ thể đến ống kính, tiêu cự ống kính.
Khẩu độ
Độ mở ống kính là phần điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính. Chúng ta có thể hiểu phần này như là khả năng cho ánh sáng đi qua của ống kính. Cấu tạo bộ phận này bao gồm những lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Tương ứng với các độ mở ống kính ta có dãy trị số tiêu chuẩn 1 , 1.4 , 2 , 2.8 , 4 , 5.6 , 8 , 11 , 16 , 32 … các trị số này gọi là F-stop hay Khẩu độ. Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở D tương đương f/1, f/1.4 , f/2 f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính. Như vậy ta có thể thấy khẩu độ càng lớn thì đường kính D càng nhỏ và ánh sáng đi qua ống kính càng ít. (tham khảo asahinguyen)
Khẩu độ mở càng lớn thì DOF càng mỏng. Các bạn có thể quan sát bức hình sẽ thấy nếu cùng một ống kính, cùng một khoảng cách đến vật chụp (cô gái), thì khẩu độ f/22 ảnh sẽ có độ nét rất sâu, trong khi đó với f/2.8 tiền cảnh và hậu cảnh sẽ bị mờ.
Khoảng cách từ ống kính đến đối tượng
Đây là cách dễ nhất để thay đổi DOF. Cùng một tiêu cự ống kính, cùng khẩu độ, bạn tiến sát lại đối tượng sẽ cho DOF mỏng hơn là bạn đứng xa chụp cùng đối tượng đó. Những chiếc máy ảnh compact khó có thể điều chỉnh được khẩu cũng có thể áp dụng phương pháp này.
Thay đổi tiêu cự
Thay đổi tiêu cự cũng ảnh hưởng đến DOF. Cùng một chủ thể không đổi góc độ, nếu chúng ta dùng ống kính có tiêu cự càng ngắn, phối cảnh phía sau càng nhiều, trong khi đó dùng ống kính tele sẽ cho hậu cảnh ít hơn và gần lại với chủ thể hơn. Chính vì vậy khi dùng ống kính có tiêu cự dài sẽ cho cảm giá xóa phông mượt hơn.
Kết luận
Kiểm soát DOF tốt sẽ giúp ích bạn trong việc phối cảnh và thực hiện đúng ý đồ. Ví dụ nếu bạn muốn chụp một nhóm người trong một buổi chụp hình lưu niệm thì việc đầu tiên bạn nên làm đó là khép khẩu (tránh trường hợp người trước thì nét, người sau thì mờ). Hoặc nếu bạn chụp chân dung đặc tả (chụp nghiêng mặt) sử dụng ống kính tele, nếu bạn mở khẩu quá lớn thì sẽ dẫn đến tình trạng mắt tỏ mắt mờ.
Nếu chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, buộc lòng phải mở khẩu lớn thì cách tốt nhất để có DOF dày là sử dụng ống kính góc rộng hoặc phải đứng xa vật chụp.
Chúc bạn có những bức hình như ý.
Tham khảo hình ảnh của canon, exposureguide.com
Chỉnh sửa lần cuối: