Tiny Times là tên gọi của bộ phim từng gây nên cơn sốt vé lớn nhất tại các phòng chiếu Trung Quốc. Ra mắt năm 2013, bộ phim này đã thu về cho nhà phát hành 11,9 triệu USD tiền vé chỉ trong ngày đầu ra rạp. Thành công đến với Tiny Times là nhờ kết quả của sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, khi mà các nhà làm phim đã hoàn thành xuất sắc việc phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường.
Họ đã khai thác tối đa tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội để từ đó tìm ra đâu là các ngôi sao, đạo diễn và chiến dịch tiếp thị có sức hấp dẫn lớn nhất trong mắt thế hệ trẻ Trung Quốc. Đây là ví dụ đầu tiên về cách mà quốc gia này ứng dụng thành công sự phát triển của công nghệ dữ liệu lớn, hay Big data.
Giải bài toán Big data là tương lai của các công ty Internet
Hiểu một cách nôm na, công nghệ dữ liệu lớn dùng để chỉ việc khai thác một lượng thông tin khổng lồ được tạo ra nhờ các hoạt động và giao dịch trực tuyến của người dùng, nhằm khám phá và đưa ra dự đoán về tâm lý đám đông.
Công nghệ Big data quá lớn, quá nhanh và quá đa dạng để có thể tiến hành phân tích bằng các cơ sở dữ liệu và phần mềm truyền thống. Thay vào đó, các nhà khoa học dữ liệu sử dụng các phương pháp tiên tiến để tạo ra mô hình có thể xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ.
“Chúng tôi có thể xử lý hàng trăm tỷ, thậm chí hàng tỷ tỷ dữ liệu trong cùng một thời điểm”, Zhang Tong, người đứng đầu phòng thí nghiệm Big data tại Baidu cho biết. Với vai trò là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Trung Quốc, Baidu thường xuyên được so sánh với gã khổng lồ tìm kiếm Google.
Công nghệ dữ liệu lớn thường được kết hợp sử dụng cùng với các công nghệ tiên tiến khác như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Mặc dù Big data chỉ mới phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, nó đã và đang được ứng dụng một cách mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Baidu đang sử dụng dữ liệu lớn để theo dõi và thiết lập nên các mô hình dùng trong bệnh viện, nơi mà Big data có thể giúp các bác sĩ lên lịch khám bệnh hay quản lý vacxin. Tencent - gã khổng lồ khống chế làng game toàn cầu đang sử dụng dữ liệu xã hội để xác định xu hướng, từ đó thực hiện quảng cáo hướng đối tượng nhắm tới người dùng.
Một ví dụ khác là Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đang sử dụng dữ liệu tài chính trên chợ điện tử Taobao và công cụ thanh toán Alipay để quản lý khoản vay khách hàng.
Tuy có nhiều ứng dụng to lớn trong mọi mặt của đời sống, một số nhà phân tích cho rằng việc sử dụng dữ liệu lớn đang ngày càng bị lạm dụng.
Li Yang, trợ lý Giáo sư Marketing tại trường Kinh tế Cheung Kong cho rằng, các công ty Trung Quốc đang sử dụng dữ liệu lớn nhiều hơn để thu hút giới truyền thông cùng với các nhà đầu tư.
Đây là một ngành công nghiệp bong bóng. Các công ty cố kiếm bằng được những khoản tiền tài trợ qua các vòng gọi vốn rồi sau đó biến mình trở thành các công ty đại chúng.
Nhiều công ty Trung Quốc háo hức khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu lớn, thế nhưng họ lại không biết cách thực hiện điều này. Trong khi đó, một số công ty đang thu thập hàng “tấn” dữ liệu nhưng lại không có kế hoạch cụ thể về việc sử dụng chúng. Đây là dấu hiệu cho thấy rất nhiều công ty sẽ gặp phải thất bại với tham vọng của mình.
Tuy vậy, ngành công nghiệp dữ liệu lớn hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh truyền thống, bắt đầu từ chính lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Trung Quốc cam kết cụ thể hóa điều này bằng việc thực thi chiến lược Internet mở rộng. Mục đích sau cùng là nhằm tích hợp Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet of Things (IoT) vào trong sản xuất.
David Sullivan, nhà phân tích thuộc tập đoàn ADG cho biết: “Trong tổng thể bức tranh lớn, tôi sẽ nói rằng, công nghệ Big data đang được chính phủ Trung Quốc chấp nhận và hậu thuẫn”.
“Do nhập cuộc chậm, những công ty của Trung Quốc hiện đứng đằng sau Google hay Amazon, tuy nhiên khoảng cách là rất gần. Họ đang thiết lập ngày một nhiều trung tâm R&D và đổ nhiều tiền hơn vào công nghệ dữ liệu lớn”, David Sullivan nói.
Alibaba, Baidu và Tencent, ba gã khổng lồ Internet của Trung Quốc chắc chắn là những tay chơi số má trong lĩnh vực dữ liệu lớn.
Các dịch vụ Internet mà những công ty này nắm trong tay giúp họ thu thập được rất nhiều dữ liệu. Với lượng người dùng đông đảo, họ cũng có sẵn đối tượng để thử nghiệm công nghệ mới của mình.
Nếu như Baidu có thế mạnh trong tìm kiếm, Alibaba với thương mại đện tử thì Tencent lại nổi bật ở khả năng truyền thông xã hội. Chính vì thế, ba công ty của Trung Quốc không bị dẫm chân nhau mà phát triển theo những lĩnh vực riêng rẽ.
Theo Zhang Tong, trưởng bộ phận Big data của Baidu, những gã khổng lồ Trung Hoa đang ngang bằng với các công ty công nghệ phương tây trong việc tận dụng khả năng của công nghệ dữ liệu lớn. Tại Trung Quốc, Big data vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh một khi được ứng dụng vào trong các lĩnh vực như chính phủ điện tử, viễn thông, y tế hay ngân hàng.
Dữ liệu lớn cho giấc mộng Trung Hoa vĩ đại
Trung Quốc là một trong những thị trường sôi động nhất thế giới về công nghệ , dữ liệu lớn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Lợi thế của quốc gia này nằm ở chính 1,3 tỷ người dân, với một tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Theo Trung tâm thông tin mạng Trung Quốc, tính đến hết năm 2014, đất nước này có 649 triệu người dùng Internet. Trong đó, 557 triệu người sử dụng Internet trên di động. Tỷ lệ người sử dụng Internet di động tại Trung Quốc đang tăng lên hàng ngày.
Quảng cáo và thương mại điện tử vẫn là đầu ra chủ yếu của công nghệ dữ liệu lớn. Baidu cũng đã bắt đầu sử dụng Big Data vào công cụ tìm kiếm của mình, giống như những gì Google đã làm với Google Search.
“Để có một công cụ tìm kiếm tốt, những gì bạn phải làm là quản lý một lượng dữ liệu khổng lồ. Bởi vậy, những công ty tìm kiếm từ lâu đã ứng dụng điều mà ngày nay gọi là công nghệ dữ liệu lớn”, Kaiser Kuo, phát ngôn viên của Baidu cho biết.
Không chỉ được sử dụng để tối ưu kết quả tìm kiếm, Big data còn được Baidu ứng dụng nhằm bán quảng cáo trên sản phẩm của họ. Baidu sẽ theo dõi kết quả tìm kiếm của người dùng và bán lại chúng bằng các quảng cáo hướng đối tượng. Khả năng xử lý dữ liệu lớn càng tốt, quảng cáo hướng đối tượng càng đến được gần hơn với khách hàng.
Lượng dữ liệu khổng lồ sẽ cho Baidu biết đâu là quảng cáo được người dùng tương tác tích cực nhất. Do đơn giá quảng cáo cáo tính bằng lượt tương tác, những quảng cáo có sức lan truyền tốt sẽ được cho hiển thị nhiều hơn. Tỷ lệ nhấp chuột cao hơn sẽ mang lại doanh thu lớn hơn cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Baidu đang nỗ lực ứng dụng dữ liệu lớn vào trong các lĩnh vực khác, bao gồm việc mở một phòng thí nghiệm về Big data tại Bắc Kinh. Để chứng minh khả năng xử lý dữ liệu lớn của mình, Baidu cũng phát triển các chương trình chẩn đoán giúp theo dõi sức khỏe người bệnh.
Không những vậy, Big data còn được sử dụng nhằm phân tích xu hướng du lịch, dự báo khả năng xảy ra động đất hay tìm ra đội bóng có nhiều khả năng chiến thắng trong một trận đấu của FIFA. Công ty này cũng có một nền tảng mở cho phép các nhà phát triển sử dụng thuật toán Baidu để đưa ra các dự đoán.
Theo 2 chuyên gia phân tích Zhang Tong và Kaiser Kuo, Baidu hiện là số 1 Trung Quốc về khả năng xử lý dữ liệu lớn nhờ lượng dữ liệu khổng lồ họ có trong tay. Bên cạnh đó, "Google của phương đông" cũng sở hữu một nền tảng rất tốt về công nghệ. Baidu cho thấy sự nỗ lực nhiều hơn cả người Mỹ trong việc xây dựng mô hình và các cơ sở hạ tầng phức tạp để phục vụ cho công nghệ này.
Bên cạnh Baidu, Alibaba cũng là một ông lớn trên thị trường dữ liệu nhờ việc sở hữu tập thông tin về thói quen và thu nhập của người tiêu dùng. Công ty của Jack Ma cung cấp dữ liệu cho người bán để giúp họ hiểu rõ về ngành hàng mà mình đang theo đuổi, đồng thời định vị một cách chính xác đến khách hàng mục tiêu. Alibaba cũng sử dụng Big data để cá nhân hóa kết quả tìm kiếm của người dùng và đề xuất cho việc mua sắm.
Lấy ví dụ cho điều này, Alibaba vừa giúp Mercedes Benz giới thiệu dòng xe hơi nhỏ gọn của mình tại Trung Quốc. Công ty này sử dụng thông tin xã hội học và khả năng học sâu để cải thiện thiết kế, tìm kiếm hậu cần dựa trên khả năng tài chính và nhu cầu của thị trường.
So với Baidu và Alibaba, đôi khi Tencent đem tới cảm giác bị tụt lại phía sau trong cuộc đua về công nghệ. Tencent tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm mới hơn là nghiên cứu những công nghệ tiên tiến. Tuy vậy, theo các chuyên gia, Tencent lại là nơi sở hữu nguồn dữ liệu có giá trị nhất nhờ sự phổ biến của WeChat.
Với khoảng 900 triệu người sử dụng, WeChat mang tới cho Tencent nguồn dữ liệu khổng lồ về kết nối cá nhân của từng người sử dụng. Điều này giúp Tencent có thể xác định đâu là những người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nhờ vậy, việc quảng cáo hướng đối tượng đến nhóm người này có thể giúp các nhà quảng cáo tối ưu hóa về chi phí.
Trong nhiều trường hợp, Baidu không thể biết được ai mới là người tiêu dùng. Do vậy, dữ liệu của công ty này sẽ ít có giá trị hơn trong mắt các nhà quảng cáo. Với Alibaba hay Tencent thì khác, họ hiểu người mua hàng là ai nhờ việc đăng nhập thông qua các tài khoản sử dụng dịch vụ của mình.
Sử hữu những thế mạnh khác nhau, cả Alibaba, Tencent và Baidu đều đang tích cực mở rộng hệ sinh thái của mình sang nhiều lĩnh vực khác để đảm bảo sự tồn tại bền vững. Ba công ty này cụ thể hóa điều đó bằng việc hợp tác, đầu tư và mua lại các công ty nhỏ hơn.
Tencent từng hợp tác với JD.com, trang thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc. Sự kết hợp giữa 2 bên đã mang tính năng thương mại điện tử lên WeChat. Nhờ vậy, Tencent biết người dùng của mình đang mua và xem món hàng gì trên JD.com. Từ đó, họ có thể quảng cáo hướng đối tượng bằng việc gửi tới nhóm người này những tấm phiếu giảm giá theo thời gian thực.
Theo Vietnamnet