Apple hết ‘miễn nhiễm’ với khủng hoảng: Vốn hoá tuột mốc 2 nghìn tỷ USD, lợi nhuận dự sẽ giảm sau 14 quý tăng trưởng liên tục

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Apple vừa trải qua cú trượt dài “xóa sổ” khoảng 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường.

apple-artykul-1672800882338-16728008827071796259741-1672801626964-1672801627160874784076.jpg

Vốn hóa Apple đã giảm xuống dưới mức 2 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngày hôm nay, qua đó đánh dấu cú trượt dài “xóa sổ” khoảng 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của gã khổng lồ công nghệ, theo Financial Times.

Điều này trái ngược hoàn toàn so với những ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, khi Apple trở thành công ty duy nhất đạt mức định giá 3 nghìn tỷ USD. Vào thời điểm đó, nhiều người lạc quan và bắt đầu đồn đoán về mốc thời gian Apple và các đối thủ cán mốc 5 nghìn tỷ USD.

“Tôi coi những gì xảy ra ở giai đoạn cuối năm là một “sự thức tỉnh” của ngành công nghệ sau những gì đã trải qua trong suốt năm 2022”, Giáo sư Lee, nhà sáng lập mạng lưới đầu tư 37 Angels, nói.

Dù vẫn hoạt động tốt hơn so với các công ty cùng ngành, song Apple vẫn mất 27% giá trị sau 12 tháng thị trường biến động. Mức giảm này ít hơn so với đà lao dốc 33% của chỉ số Nasdaq Composite nặng về công nghệ, trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về rủi ro suy thoái cũng như viễn cảnh một chính sách tiền tệ đảo ngược sau nhiều năm.

Bất chấp đại dịch, hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất iPhone ghi nhận nhiều con số khả quan với 14 quý tăng trưởng liên tiếp. Tính đến tháng 9, hãng này cũng đạt doanh thu kỷ lục 394 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng chạm mốc gần 100 tỷ USD.

Theo Counterpoint Research, công ty chỉ xuất xưởng 14% tổng số điện thoại thông minh trên toàn cầu trong 9 tháng đầu năm, nhưng chúng lại chiếm đến 43% tổng doanh thu và 82% tổng lợi nhuận - tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, sau những gián đoạn tại siêu nhà máy ở Trịnh Châu, các chuyên gia bắt đầu đưa ra những dự cảm xấu về Apple. Lợi nhuận ròng được cho là sẽ giảm 8%.

Apple hết ‘miễn nhiễm’ với khủng hoảng: Vốn hoá tuột mốc 2 nghìn tỷ USD, lợi nhuận dự sẽ giảm sau 14 quý tăng trưởng liên tục - Ảnh 2.
Lĩnh vực công nghệ đặc biệt chịu tác động từ quyết định tăng lãi suất của FED​

“Tình trạng chống dịch hiện tại của Trung Quốc là yếu tố chính quyết định kết quả hoạt động kinh doanh Apple trong năm 2023”, Tom Forte, nhà phân tích tại DA Davidson & Co, cho biết.

“Mọi người không giỏi dự đoán tương lai. Thực tế đại dịch là một sự kiện thiên nga đen và không ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, Angela Lee, giáo sư trường Kinh doanh Columbia, nhận định

Ngoài ra, theo Michael Lippert, phó Chủ tịch kiêm Giám đốc danh mục một quỹ đầu tư, Apple đang được định giá quá cao, trong khi đổi mới và đột phá dần mờ nhạt.

“Lần cuối cùng, nghiêm túc mà nói, Apple tạo ra một sự đổi mới đáng kinh ngạc cho iPhone là khi nào?” Lippert hỏi. “Những sản phẩm ra mắt sau này chỉ nhỉnh hơn một chút mà thôi”.

Được biết lĩnh vực công nghệ đặc biệt chịu tác động từ quyết định tăng lãi suất của FED, tức nhạy cảm hơn hẳn so với các lĩnh vực khác. Nguyên nhân là bởi nhiều công ty công nghệ chủ yếu dựa vào khả năng tiếp cận nguồn vốn để theo đuổi các dự án đầy tham vọng trước cả khi thu về lợi nhuận.

“Chúng tôi đã quá lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế Internet, đồng thời đánh giá thấp tác động của đà suy thoái rộng lớn”, Patrick Collison, Giám đốc điều hành của Stripe, đã viết trong một lưu ý gửi nhân viên vào tháng trước.

Theo Financial Times, Apple là công ty niêm yết công khai đầu tiên đạt giá trị vốn hóa 1 nghìn tỷ USD vào tháng 8/2018, đồng thời cũng là tập đoàn đầu tiên trị giá 2 nghìn tỷ USD vào tháng 8/2020. Hiện không có công ty công nghệ nào trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD và Apple vẫn là gã khổng lồ sừng sỏ của Thung lũng Silicon, theo sau bởi Microsoft với 1,8 nghìn tỷ USD.

Theo Bloomberg, Apple là công ty giá trị nhất thế giới, do vậy, không có gì ngạc nhiên khi tập đoàn này tạo ra nhiều lợi nhuận hơn bất kỳ các doanh nghiệp nào khác trong S&P 500. Điểm khác biệt giúp nó dành được sự tin tưởng của nhà đầu tư còn đến từ việc quản lý và sử dụng doanh thu khủng.

Apple hết ‘miễn nhiễm’ với khủng hoảng: Vốn hoá tuột mốc 2 nghìn tỷ USD, lợi nhuận dự sẽ giảm sau 14 quý tăng trưởng liên tục - Ảnh 3.
Vốn hóa Apple vừa giảm xuống dưới mức 2 nghìn tỷ USD.​

Trong 5 năm qua, công ty này đã tạo ra 454 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động kinh doanh. Thay vì dùng đây để mua lại các công ty lớn, Apple chia cổ tức và làm hài lòng các cổ đông. Con số đó nhiều hơn cả giá trị thị trường của Exxon Mobil Corp. hay JPMorgan Chase & Co.

“Apple lẽ ra có thể làm tất cả những điều mà ngân hàng kỳ vọng, chẳng hạn như mua Netflix hay Disney. Thay vào đó, họ trả lại vốn cho cổ đông và họ được tán dương vì điều đó”, Kimberly Forrest, người sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners LLC, một công ty quản lý tài sản sở hữu cổ phiếu Apple, cho biết.

Cơ sở khách hàng trung thành của Apple cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện có hơn một tỷ thiết bị iPhone đang được sử dụng, song song với iPad, máy tính Macbook và đồng hồ thông minh. Bên cạnh đó, nhờ số lượng ngày càng tăng của dịch vụ, chẳng hạn như lưu trữ đám mây, Apple đã tự tạo được cho mình một hệ sinh thái bền chặt.

“Một khi bạn đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Apple, rất khó để từ bỏ. Mọi người sẽ không chuyển sang Android chỉ vì không thể mua iPhone trong tháng này. Họ sẽ chấp nhận đợi”, Jason Benowitz, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Roosevelt Investment Group LLC, một cổ đông của Apple, cho biết. Ngoài ra, theo Benowitz, Apple được hưởng lợi khá nhiều từ kỳ vọng rằng những khách hàng giàu có sẽ tiếp tục chi tiền cho các sản phẩm cao cấp, ngay cả trong thời kỳ suy thoái.

“Apple so với các tên tuổi khác vẫn mang lại sự an toàn. Nó không hoàn toàn phụ thuộc vào phần cứng, vì công ty này có thể kiếm tiền định kỳ từ việc khách hàng đăng ký dịch vụ Apple Music hay Apple Arcade cho trò chơi điện tử”, Lewis Grant, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes Ltd. cho biết.

Theo Genk​
 
Bên trên