Apple đang dần xoá khoảng cách giữa “bản thường” và “bản Pro”?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Có vẻ như Apple đang dần xoá khoảng cách giữa “bản thường” và “bản Pro” khi mà những mẫu thiết bị mới của dù là bản Pro hay bản thường dều có nhiều điểm tương đồng hơn trước đây.

5 năm về trước, ba vị giám đốc của Apple đã làm một điều mà khi ấy hiếm người có thể tưởng tượng được: Xin lỗi và chia sẻ kế hoạch tương lai của công ty. Lời xin lỗi đó không dành cho hàng chục, hàng trăm triệu người đang dùng những thiết bị của Apple, mà thay vào đó là một cộng đồng có phần “ngách”, những người làm việc chuyên nghiệp, những cái đầu sáng tạo dựa vào sức mạnh phần cứng của chiếc Mac Pro để làm việc, để sáng tác và để kiến tạo. Ở cuộc họp nho nhỏ diễn ra vào năm 2017 ấy, các phóng viên bên Mỹ được ngồi nói chuyện với Phil Schiller, với Craig Federighi và John Ternus, khi ấy họ lần lượt đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch thiết kế phần mềm và phần cứng tại Apple.

Craig-Federighi.jpg


Cộng đồng người dùng thiết bị Apple để làm sáng tạo kể trên, nếu so sánh với tổng số người dùng iPhone hoặc AirPods trên toàn thế giới thì sẽ rất chênh lệch, hệt như một chậu nước so với cả biển khơi vậy. Ấy vậy mà cộng đồng ấy vẫn đủ tiếng nói để khiến Apple không chỉ lắng nghe, mà còn chia sẻ với báo giới nữa. Số là khi ấy, những phản hồi không mấy tích cực của chiếc Mac Pro thùng rác ra mắt từ năm 2016 khiến khả năng nâng cấp gần như không có, và nói theo cách của Craig Federighi khi ấy là “chúng tôi tự đẩy mình vào lối cụt xét về khả năng tản nhiệt của máy”. Cùng với đó, ba vị giám đốc của Apple cũng chia sẻ, rằng “chúng tôi đang trong quá trình thiết kế lại hoàn toàn chiếc Mac Pro.”

Chúng ta đều biết Apple lắng nghe rất nhiều, từ phản hồi của khách hàng, của truyền thông, của những trao đổi chia sẻ trên các mạng xã hội. Nếu họ không lắng nghe thì làm gì có chuyện MacBook năm 2020 được đổi bàn phím từ butterfly thành bàn phím với thiết kế truyền thống và bền bỉ hơn? Nhưng năm 2017 là thời điểm hiếm hoi Apple chia sẻ ngược lại với cộng đồng về roadmap sản phẩm của họ.

Mac-Pro.jpg


Đến năm 2019, chiếc Mac Pro “bào phô mai” được ra mắt, muộn hơn khoảng 1 năm so với kế hoạch của Apple. Nó kết hợp giữa thiết kế case PC truyền thống, vốn sở hữu những đường nét và khả năng nâng cấp quen thuộc. Và như đã nói, không phải ai cũng thích cái thiết kế ấy, nhưng có một điều chắc chắn, ấy là người dùng chuyên nghiệp đã được Apple chăm sóc vô cùng tận tâm vào thời điểm đó.

Tua nhanh 3 năm sau, tức là thời điểm hiện tại. Apple giờ có vẻ đang bận bịu với việc chia năm xẻ bảy chính cộng đồng người dùng chuyên nghiệp, nhờ vào một sản phẩm gọi là Apple Silicon.

Ra mắt đúng một năm sau Mac Pro, Apple Silicon giờ xuất hiện trong gần như mọi sản phẩm của Apple: Điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy tính để bàn, máy tính all-in-one, và trong tương lai gần sẽ là cả Mac Pro nữa. Và nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách phiên phiến, thì kiến trúc chip A-series trong chiếc iPhone cũng chẳng khác gì thiết kế nhân CPU, GPU cùng những nhân xử lý chuyên biệt trong kiến trúc M1 cả.

Apple-Mac-Studio-Studio-Display-lifestyle-01-220308.jpg


Chí ít ở thời điểm hiện tại thì, chiếc máy Mac Pro với CPU của Intel, GPU của AMD dựa trên kiến trúc x86 vẫn đang là sản phẩm với hiệu năng khủng nhất, hay cũng có thể gọi là “pro” nhất trong những chiếc máy tên gọi có chữ “Pro” của Apple. Nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi rất nhanh, và bản thân cộng đồng người dùng chuyên nghiệp cũng đang có xu hướng dễ bị bối rối khi nhìn vào loạt sản phẩm hiện tại của Apple.

MacBook-Pro-M1-Pro-M1-Max-unplash-7.jpg


Nhưng trong số những thiết bị của Apple mà tên gọi có chữ “Pro”, khác biệt về sức mạnh hiệu năng phần cứng đang dần nhạt nhòa hơn bao giờ hết, và thay vào đó là khác biệt về mặt trải nghiệm, ví dụ như màn hình hoặc thời lượng pin chẳng hạn. Còn nói riêng về hiệu năng, iPad Pro 11-inch cũng xài chip y hệt như iPad Air đời 5. Mac Pro có thể khỏe, nhưng Mac Studio vừa ra mắt lại có hai nhân M1 Max để tạo thành con chip M1 Ultra khỏe chẳng kém, đã thế lại còn gọn gàng hơn. MacBook Pro và MacBook Air loại trang bị màn hình 13.3″ giờ xài chung một con chip, tản nhiệt khác nhau, dung lượng bộ nhớ khác nhau nhưng hiệu năng không quá chênh lệch.

MacBook-Pro-M1-Pro-M1-Max-unplash-.jpg


Ấy vậy nên, phàm nếu không phải một người theo dõi hoặc trải nghiệm rất sát từng thế hệ phần cứng mới của Apple, một người dùng chuyên nghiệp rất dễ lầm tưởng rằng những sản phẩm “Pro” giờ vẫn tạo ra khác biệt hiệu năng tương đối lớn so với những thiết bị hướng đến đại chúng. Có lúc, khác biệt giữa hai chiếc iPhone là tương đối nhỏ, nhưng cũng có lúc, khác biệt giữa hai chiếc MacBook là rất lớn, ví dụ như chiếc MacBook Pro 13-inch trang bị chip M1 và màn hình LCD, so với chiếc MacBook Pro 14-inch trang bị M1 Pro và màn hình miniLED chẳng hạn.

Không nên, và cũng không cần nghi ngờ sự quan tâm của Apple đối với cộng đồng prosumer. Bằng chứng nhãn tiền là họ không thiếu những sản phẩm mà hầu hết người dùng thông thường không dùng hết tính năng, hoặc hoàn toàn cảm thấy ổn với những sản phẩm ở tầm giá thấp hơn rất nhiều. Nhưng cùng lúc, chính bản thân cộng đồng prosumer đôi khi cũng thấy hoang mang và bối rối khi xác định một món đồ của Apple có dành cho nhu cầu công việc của họ hay không.

Theo Công nghệ Việt​
 
Bên trên