AOC AGON AG322FCX - Màn cong VA 32", tần số quét 144Hz kèm FreeSync, giá chỉ từ 9.5 - 10 triệu đồng

kulip

Member
Có thể bạn chưa từng nghe đến AGON nhưng chắc chắn bạn đã từng nghe qua AOC, AGON là thương hiệu màn hình vi tính chuyên về game của nhà sản xuất AOC và hiện tại trên tay tôi là mẫu màn hình AGON AG322FCX mới nhất của hãng này. Điểm đặc biệt ở sản phẩm này là nó có kích thước màn lên đến 32", trang bị màn hình cong tấm nền VA độ phản hồi 4ms, tần số quét 144Hz kèm công nghệ hình ảnh AMD FreeSync nhưng chỉ có giá rơi vào tầm 9.5 - 10 triệu đồng tùy nơi bán. Phải nói đây là cái giá rất rẻ đối với màn hình chơi game 32", và liệu rằng màn hình AGON AG322FCX của AOC có thể đáp ứng hiệu năng tốt với tầm giá thậm chí là vượt bậc so với cái giá 9.5 - 10 triệu đồng hay không?

34635709324_e36b751edb_o.png

Về đặc tả cấu hình, bạn có thể xem tại trang chủ của AOC theo đường link này.

I - Unbox

35310081102_4416a2752a_o.jpg

35346767961_51035c5caa_o.jpg

Ấn tượng đầu tiên khi tôi mang về màn hình này chính là vỏ hộp đựng quá khổ của nó. Nó to hơn khá nhiều so với các vỏ hộp đựng TV cùng kích cỡ mà tôi đã từng dùng qua. Qua đó nó cũng báo cho tôi biết được màn hình AG322FCX cũng thuộc dạng to nạc và tôi buộc phải dọn dẹp sạch sẽ bàn làm việc của mình để lấy chỗ. Qua mặt trước, AOC giới thiệu các tính năng đáng chú ý trên AG322FCX mà trong số đó nổi bật ở chi tiết màn cong, tần số quét 144Hz, công nghệ hình ảnh AMD FreeSync và tấm nền VA.

Phần phụ kiện của màn hình này bao gồm: cáp nguồn và adapter, dĩa driver và sách hướng dẫn, dây xuất hình DVI, VGA và HDMI, và bộ đinh treo tường 4 con theo chuẩn VESA. Có điều hơi lạ là sự xuất hiện của hai dây cáp VGA và HDMI. Dây cáp VGA chỉ thường xuất hiện ở các mẫu màn hình văn phòng rẻ tiền nhưng tại sao nó lại xuất hiện ở AGON AG322FCX? Nhất là khi cái giá của màn hình này đã vượt qua mốc màn hình văn phòng phổ thông rất xa (vào khoảng tầm 3-4 triệu đồng)? Còn dây HDMI, dù biết rằng AG322FCX có hỗ trợ cổng kết nối này nhưng bạn nên nhớ rằng là màn hình của AOC có tần số quét lên đến 144Hz, trong khi đó dây HDMI chỉ có thể hỗ trợ lên đến 60Hz là tối đa. Hơn nữa, dây HDMI này có hỗ trợ công nghệ hình ảnh FreeSync của AMD nhưng chỉ tối đa được tần số quét 60Hz. Trong khi đó, dù dây cáp DVI có sẵn có thể giúp bạn nâng tần số quét của AG322FCX lên 144Hz nhưng nó không cho phép bạn bật công nghệ FreeSync lên. Vì thế, bạn sẽ cần đến dây cáp DisplayPort 1.2 để đáp ứng được khả năng xuất hình với tần số quét 144Hz và bật được công nghệ FreeSync. Tiếc thay, AOC đã không trang bị dây cáp này trong sản phẩm của mình.

35310080512_6799c387f7_o.jpg

35346767471_12715afef2_o.jpg

35310080282_cbba9a1007_o.jpg

AGON AG322FCX sở hữu lối thiết kế khá tinh giản ở mặt trước với màn hình cong cho phép bạn có thể bao quát tầm nhìn khi ngồi trực diện. Ngoài ra, ở viền màn hình dưới của màn hình này là dải đèn LED có thể tùy chỉnh được với ba màu đỏ, xanh lá và xanh dương cũng như mức độ sáng khác nhau, tôi sẽ nói rõ trong phần menu OSD của AG322FCX.

35310079242_7053270190_o.jpg

35346765841_c043f90404_o.jpg

35310078642_8ce336b5d7_o.jpg

35346765361_f88dd9b4df_o.jpg

35310777162_771cb34c65_o.gif

Phía trước được thiết kế tinh giản bao nhiêu thì phía sau của AG322FCX càng đậm chất game thủ bấy nhiêu với phần nhựa giả kim loại màu bạc trang bị dàn đèn LED màu đồng bộ đèn LED viền dưới phía trước. Ngoài ra, AOC cũng tỏ ra rất có tâm khi tích hợp cho AG322FCX giá treo tai nghe ở góc bên trái phía sau màn hình. Qua đó, bạn có thể treo tai nghe sau khi chơi game xong mà không cần phải bỏ tiền ra mua thêm giá treo rời. Hơn nữa, AG322FCX còn có khả năng treo tường với 4 lỗ treo tường phía sau theo chuẩn VESA nếu như bàn làm việc của bạn không đủ diện tích để có thể đặt màn hình này xuống.

35310079992_ed9c2acf24_o.jpg

35346767221_438196a8ac_o.jpg

35346766861_68e5d286d1_o.jpg

35310079722_7efa6dd4f5_o.jpg

AG322FCX chỉ có được tính công thái học bán phần khi nó cho phép người dùng có thể nghiêng trước sau và không thể xoay ngang và dọc 90 độ. Điều này sẽ gây khó khăn khá nhiều khi mà các cổng kết nối của màn hình này đều đặt ở phía dưới và bạn sẽ phải chịu khó đặt AG322FCX nằm trên mặt phẳng như trên để cắm dây. Ngoài ra, chân đế của AG322FCX là một điểm sáng khi nó cực kỳ chắc chắn khi tôi thực hiện các thao tác như điều chỉnh góc nghiêng của màn hình mà không bị tình trạng rung lắc. Hơn nữa, với thiết kế chữ V, chân đế này sẽ tiết kiệm không gian bàn làm việc của bạn rất nhiều, giúp bạn có thể sử dụng nhiều đồ nghề hơn khi đặt trên mặt bàn làm việc.

35346766681_d66ca73aa8_o.jpg

35310079492_c6f2285281_o.jpg

Một điểm tôi rất thích ở AG322FCX là NSX AOC đã tích hợp cho nó nút joystick để điều chỉnh menu OSD của màn hình. Với joystick này, bạn sẽ thao tác rất nhanh các tác vụ như thay đổi thông số màn hình cũng như chuyển chế độ màu của màn hình thông qua các phím tắt điều hướng. Tuy nhiên, sẽ hay hơn nếu như AOC chịu khó làm thêm dàn nút điều chỉnh OSD đặt ở viền dưới bên phải màn hình như truyền thống, vì một khi người dùng lỡ làm gẫy joystick thì họ sẽ không có giải pháp dự phòng để điều chỉnh thông số màn hình.

35346765051_81b714235e_o.jpg

Về cổng kết nối, AOC AGON AG322FCX được trang bị từ trái qua phải gồm 1 cổng nguồn, 1 jack tai nghe 3.5mm, cổng DSub, Display Port, HDMI và DVI. Với số lượng kết nối xuất hình này, bạn sẽ không phải lo lắng về khả năng tương thích phần cứng của màn hình này với các hệ thống chơi game hiện nay. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ sử dụng kết nối duy nhất là Display Port khi nó đảm bảo được cho tôi khả năng xuất hình tần số quét 144Hz và hỗ trợ công nghệ hình ảnh AMD FreeSync.

II - Menu OSD

35479800275_256c7e4e1c_o.jpg

35312840762_f5feac4e93_o.jpg

35479798635_64a13ae2db_o.jpg

35312839232_24d1542518_o.jpg

Về OSD của AGON AG322FCX, tôi chỉ có thể nói đây là menu OSD tương đối khó dùng. Nó khó dùng ở phần giao diện thiết kế có phần thiếu hợp lý khi sử dụng trên màn hình 32". Tôi biết rằng AOC đã sử dụng layout giao diện OSD kiểu này trên các sản phẩm màn hình trước đó của hãng, nhưng vấn đề ở đây là menu OSD trên các màn hình đó chỉ thực sự dễ dùng khi kích cỡ màn hình ở tầm 27" trở xuống, khi đó giao diện OSD nằm ngang kiểu này sẽ phù hợp với kích cỡ màn như thế, giúp người dùng dễ theo dõi hơn. Trong khi đó, khi đã lên tới kích cỡ 32" như AGON AG322FCX thì giao diện OSD này trở nên khó dùng hơn nếu bạn ngồi gần màn hình để thao tác. Vì thế, tôi nghĩ AOC nên chuyển giao diện về dạng cây thư mục, lúc đó người dùng thao tác cũng dễ dàng hơn trên màn hình 32".

Lại nói về OSD của AGON AG322FCX, menu này gần như cho phép bạn tùy chỉnh tương đối sâu về thông số màn hình cũng như vài tính năng phụ khác như Picture Boost, Image Setup. Picture Boost sẽ giúp bạn tạo 1 khoảng khung hình trên màn hình, và khung hình này sẽ đóng vai trò hình ảnh ở chế độ hiện thời, sau đó bạn chuyển sang chế độ màu khác, khung hình này vẫn giữ nguyên chế độ màu và phần khung hình xung quanh nó sẽ thay đổi. Qua đó, Picture Boost cho phép bạn so sánh các chế độ màu thể hiện trên AG322FCX, giúp bạn tìm được chế độ màu phù hợp nhất. Image Setup chỉ xuất hiện khi bạn kết nối màn hình bằng dây VGA, tuy nhiên trong bài viết này tôi sử dụng dây cáp DP để xuất hình nên tùy chọn này bị ẩn đi. Image Setup là tổng hợp của tất cả những gì bạn cần điều chỉnh khi kết nối màn hình thông qua dây cáp VGA.

35312837512_041179a54f_o.gif

Quan trọng nhất ở OSD này chắc chắn phải là chế độ màu màn hình. Thông qua tùy chọn Game Mode, bạn sẽ có 6 chế độ màu tuy nhiên chỉ có 3 là được AOC thiết lập sẵn bao gồm FPS, RTS và Racing. Còn Gamer1, Gamer2 và Gamer3 dành cho bạn tự thiết lập thông số cho chính mình phù hợp với thể loại game mình đang chơi. Ngoài ra, bạn có thể tăng thêm độ bão hòa màu giúp hình ảnh tươi tắn hơn khi chơi game thông qua mục Game Color. Hơn nữa, chức năng Shadow Control sẽ giúp bạn nhận biết được kẻ thù ẩn nấp trong các góc tối, cụ thể Shadow Control khi tăng lên sẽ khiến độ sáng tăng lên giúp bạn quan sát các góc tối trên bản đồ dễ dàng hơn trong các game FPS. Chưa hết, bạn có thể thiết lập lớp lọc ánh xanh Low Blue Light để bảo vệ mắt của chính mình với 3 cấp độ Weak, Medium và Strong. Còn chức năng Overdrive sẽ giúp màn hình hạn chế tình trạng bóng ma xảy ra khi chơi game ở các cảnh game diễn ra với tốc độ cao. Chức năng này tôi sẽ thử nghiệm trong phần test màn hình bên dưới.

35349551111_38d90e5a0a_o.jpg

35349546381_a039aca46e_o.jpg

Phần Extra của menu OSD không có gì đặc biệt lắm. Tới lúc này tôi mới chột dạ mà tự hỏi, tùy chọn chỉnh màu đèn LED của màn hình này nằm ở đâu. Sau khi mò mẫm, tôi mới biết chức năng này đã được AOC đưa vào phím tắt điều hướng của joystick điều khiển. Theo đó, bạn phải dùng joystick gạc sang phải mới có thể mở được OSD chỉnh màu đèn LED. Như tôi đã có nói ở phần trên bài viết là AOC cho phép bạn chỉnh màu cũng như mức độ sáng của đèn LED trên AG322FCX, và ở hình trên tôi đã thiết lập màu LED là xanh và mức độ sáng cao nhất.

III - Thử nghiệm

Ở phần này, tôi sẽ trả toàn bộ các thông số của AG322FCX về mặc định, chuyển Game Mode về OFF, điều chỉnh độ sáng lên tối đa và tiến hành thử nghiệm các bài test sau:

  • Hiển thị màu cơ bản: Mở các hình nền màu cơ bản trắng, đen, xanh, đỏ, xanh lá để AG322FCX hiển thị.
  • Hình nền Full HD: Đặt hình nền Full HD trên AG322FCX, xem khả năng hiển thị của màn hình từ gam màu nóng, lạnh đến trung tính.
  • Mờ chuyển động (Motion Blur): Thử nghiệm khử mờ chuyển động Overdrive khi tắt và mở của AG322FCX bằng phần mềm PixelPerAnt.
  • Góc nhìn: Chụp lại hình ảnh hiển thị của AG322FCX ở các góc trên dưới trái phải xem có bị hiện tượng bệt hay tái màu không.
  • Chất lượng hiển thị: Đo khả năng hiển thị màu của AG322FCX bằng phần mềm LaCie BlueEye Pro với thiết bị chuyên dụng Spyder3 Elite và tiến hành cân màu lại cho chính xác nếu sai lệch màu sắc quá nhiều.
  • Ép xung tần số màn hình: Sử dụng card NVIDIA để ép xung tần số màn hình lên mức tối đa có thể.
  • Chơi game: Sử dụng card AMD để bật tính năng FreeSync khi chơi vài trận trong CS: GO.

A - Hiển thị màu cơ bản

Ở bài test này, tôi sẽ lần lượt mở các hình nền màu cơ bản trắng, đen, xanh, đỏ, xanh lá để xem thử AG322FCX thể hiện như thế nào ở các màu này? Tôi sẽ chụp lại hình ảnh bằng camera Canon 600D kèm lens 24-105mm f/4 cùng chế độ cân bằng trắng Auto.


Ở độ sáng cao nhất, nhiều khả năng khi hiển thị màu đen, các màn hình sử dụng tấm nền VA như AG322FCX sẽ bị hở sáng ở các góc cạnh màn hình. Và thực tế, chính xác với những gì tôi dự đoán, AG322FCX bị hở sáng và góc bên phải là bị nhiều nhất. Qua đó, nếu bạn sử dụng màn hình này để xem phim thì tôi nghĩ đây không phải là phương án tốt dù kích cỡ của nó rất phù hợp cho nhu cầu giải trí này. Ở những bộ phim có nhiều khung cảnh tối, việc hở sáng của AG322FCX sẽ khiến bạn khó tập trung hơn vào bộ phim, khiến trải nghiệm xem phim của bạn giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, khi chơi game thì bạn rất ít khi để ý những chi tiết này vì thế chúng thường được bỏ qua.

Các màu còn lại như đỏ, xanh lá, xanh và trắng hiển thị trên AG322FCX nhìn khá chuẩn khi xem bằng mắt thường, nhưng khi qua mắt đo Spyder3 thì sao? Chúng ta sẽ biết sau vài bài test dưới đây.

B - Hình nền Full HD

Sau đây là một số hình ảnh tôi dùng camera 600D cũng như lens trên để chụp lại AG322FCX khi nó hiển thị các hình nền Full HD theo các tông nóng, lạnh và trung tính. Phần này tôi sẽ dành cho các bạn nhận xét để mang tính khách quan hơn.


Tôi không rõ bạn nhìn tổng thể ra sao nhưng có điều chắc chắn khi nhìn các ảnh này ở vị trí gần cách màn hình tầm 30cm bạn sẽ thấy các chi tiết hình ảnh khá rỗ. Đây điểm thường thấy ở các màn hình lớn nhưng độ phân giải không cao gây ra, cụ thể là với AG322FCX khi nó sở hữu kích thước màn là 32" nhưng độ phân giải là Full HD. Nếu màn hình này có độ phân giải gốc là QHD 2560x1440 thì tình trạng rỗ hình sẽ khó nhận thấy hơn, tuy nhiên nếu hỗ trợ độ phân giải này thì giá của AG322FCX sẽ không thể nào đẹp như vậy cả. Đó là quy luật bù trừ và bạn phải chấp nhận nếu đã đầu tư vào màn hình này.

C - Mờ chuyển động (Motion Blur)

Theo thông số từ NSX, tấm nền VA của AG322FCX có thời gian hồi đáp là 4ms nhưng với tần số quét 144Hz thì nó có thể hạn chế tình trạng mờ chuyển động khi chơi game hành động tốc độ cao. Tuy vậy, AOC cũng rất có tâm khi tích hợp tính năng Overdrive chống mờ chuyển động trên AG322FCX nên tôi sẽ cùng thử nghiệm tính năng này để chống Motion Blur. Để thực hiện bài test, tôi vẫn sử dụng Canon 600D cùng lens 24-105mm f/4L và phần mềm PixelPerAnt.

34640076774_e338b61ab4_o.jpg

34640075614_4a5844207c_o.jpg

35094789600_f536c0b0f8_o.jpg

35094787680_e73f9792a4_o.jpg

Với thiết lập tốc độ màn trập là 1/4000, ISO 6400 và khẩu độ lớn nhất là 4, Canon 600D sẽ chụp lại được hình ảnh chiếc xe đang chạy với tốc độ khung hình 144 tối đa của AG322FCX với độ chi tiết và rõ ràng nhất. Tuy nhiên, dù có bật Overdrive hay không, AG322FCX không thể chống mờ chuyển động dù thời gian hồi đáp khá nhanh là 4ms trên tấm nền VA. Khi bật Overdrive ở mức Strong cao nhất, bóng mờ của chiếc xe đã gần hòa vào nền ảnh, tuy vậy nó vẫn để lại lưu ảnh rất rõ khi chụp lại bằng máy chụp hình chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề ở chỗ bạn chỉ có thể thấy được bóng mờ như thế này khi chụp lại bằng máy chụp hình, còn với mắt thường thì cực khó để bạn nhận biết. Do đó, khi chơi game tôi vẫn khuyên bạn nên để Overdrive ở mức Strong để hạn chế bóng mờ tốt nhất có thể thay vì OFF như mặc định, dù nó thực sự không giúp màn hình giảm thiểu bóng mờ một cách rõ rệt qua ảnh chụp trên máy chụp hình.

D - Góc nhìn

Với việc sở hữu tấm nền VA, AG322FCX cho chất lượng hiển thị ở các góc nhìn là rất tốt, đặc biệt ở hai góc dễ bệt màu nhất là ngửa trước/sau, màn hình của AOC vẫn đáp ứng tốt.

35094890660_083e80192a_o.jpg

E - Chất lượng hiển thị

Trong phần này, tôi sẽ dùng hai công cụ là mắt đo Spyder3 Elite và phần mềm đo LaCie BlueEye Pro để tiến hành thẩm định chất lượng hiển thị của màn hình AG322FCX ở chế độ Game Mode OFF. Lưu ý rằng ở chế độ này, độ sáng của màn hình chỉ được đẩy lên mức 90 chưa phải là mức 100 cao nhất, do đó tôi đã chỉnh độ sáng lên 100 và dùng mắt đo Spyder đo thử xem độ sáng tối đa của AG322FCX có đạt con số 250 nit như thông số NSX công bố hay không?

35094944250_0210344059_o.png

Về độ sáng, AG322FCX chỉ đạt tối đa 237 nit thiếu đi 13 nit so với thông số từ NSX, tuy nhiên mức độ lệch này chưa thực sự đáng kể. Độ gamma đạt 2.0 rất chuẩn với độ lệch 1% không đáng kể, nhưng nhiệt độ màu Kelvin lên đến 7616K cho thấy màn hình này thiên về tông nóng rất rõ mà qua biểu đồ màu sRGB bên trái các tông nóng như đỏ cam cũng chiếm phần lớn không gian màu này. Delta E trung bình của AG322FCX tương đối chuẩn khi đạt 2.7 nhưng Delta E cao nhất lại lên đến 7.5, qua đó màu sắc của AG322FCX chưa chuẩn mực lắm, delta E đẹp nhất là dưới 1 theo tiêu chuẩn ngành in. Nên nhớ đây là màn hình chơi game nên chất lượng màu sắc không phải là ưu tiên hàng đầu nên kết quả đo màu của tôi trên AG322FCX như thế cũng không có gì lạ cả.

Tiếp theo tôi sẽ tiến hành đo màu lại cho AG322FCX để có được chất lượng màu chuẩn hơn mặc định với các tiêu chí cần đạt như Gamma đạt 2.0, Kelvin gần hoặc bằng 6500K, độ sáng 120 nit và delta E trung bình nhỏ hơn 1 theo tiêu chuẩn ngành in.

35481535165_1a5fd716a6_o.png

Sau khi đo, chất lượng màu xuất ra cũng chuẩn hơn rất nhiều không thiên về tông nóng như trước nữa. Để có được kết quả test này, bạn cần phải chỉnh thông số độ sáng, độ tương phản và 3 màu RGB trên menu OSD kết hợp cùng file ICC profile màu mà bạn có thể tải về theo đường link này. Dưới đây là thông số độ sáng, độ tương phản và 3 màu RGB:

Mã:
Brightness: 55
Contrast: 55
Color temp: User
Red: 44
Green: 39
Blue: 32

F - Ép xung tần số màn hình

Để ép xung tần số màn hình, tôi đã dùng card đồ họa NVIDIA để thực hiện thao tác này nhanh gọn hơn. Với card AMD bạn có thể dùng phần mềm GURU3D CRU để ép xung tần số quét nhưng phức tạp hơn nhiều. Và sau 15' thử nghiệm, màn hình AGON AG322FCX của AOC được tôi ép xung lên 151Hz, cao hơn 7Hz so với mức mặc định 144Hz. Điểm đặc biệt ở đây là bạn có thể kết hợp cùng công nghệ hình ảnh FreeSync ở tần số quét này, tuy nhiên bạn phải dùng CRU để ép xung tần số quét lên 151Hz.

34671601143_e62f65b734_o.png

G - Chơi game

Ở phần test này, tôi sẽ sử dụng card AMD để bật FreeSync lên và vào CS: GO làm vài trận để thử tính thực chiến của tần số quét 144Hz cùng công nghệ FreeSync như thế nào. Và tôi thấy khá ấn tượng với độ hiệu quả của bộ đôi này, nhất là những pha tỉa đối phương từ xa mang lại cảm giác đầy phấn khích khi độ mượt hình ảnh thể hiện trên AG322FCX là rất tốt. Dưới đây là một số pha kill tiêu biểu được tôi ghi hình lại bằng Bandicam, nhớ hãy kéo chất lượng lên Full HD 1080p@60fps để xem nhé:


IV - Lời kết

Ưu

Thiết kế tinh giản kết hợp nhiều nét chấm phá đậm chất game thủ kết hợp cùng dải đèn LED có thể tùy chỉnh được rất đẹp mắt.
Trang bị tấm nền VA cho góc nhìn rất tốt.
Chân đế cực kỳ chắc chắn và tiết kiệm không gian bàn làm việc.
Tần số quét 144Hz cùng công nghệ hình ảnh FreeSync.
Có giá treo tai nghe.
Có joystick điều khiển OSD rất linh hoạt.
Có thể ép xung tần số quét lên 151Hz kết hợp được với FreeSync.
Giá quá rẻ đối với một màn hình chơi game kích cỡ 32" tần số quét 144Hz cùng công nghệ AMD FreeSync.

Khuyết

Màu sắc mặc định thiên về tông nóng, cần phải được cân chỉnh lại nếu dùng cho các nhu cầu khác như chỉnh sửa ảnh hay xem phim.
Hở sáng ở các góc màn hinh, đặc biệt là góc phải.
Không kèm dây cáp Display Port trong phần phụ kiện.
Vị trí đặt giao diện OSD chưa hợp lý trên màn hình 32".
Không có công thái học toàn phần và chi tiết ảnh khá rỗ do độ phân giải chỉ là Full HD trên màn 32".

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Rjddle

Member
hỗ trợ freesync thì chắc cú là phải sài card AMD rùi, chia bùn cũng các fan nhà xanh đang tìm màn rẻ nhá :3
 
Bên trên