Sở dĩ vì sau khi nhận được hệ điều hành Android gốc từ Google, hầu hết các OEM đều phải tùy biến lại giao diện người dùng cho riêng mình nên việc chậm trễ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đáng nói là có một số hãng đã dửng dưng bỏ rơi những "đứa con" cũ của mình kể cả khi chúng vừa ra mắt không lâu.
Mặc dù vậy, hiện nay, một số OEM đã nhanh nhẹn hơn trong khoản cập nhật, khiến không ít người dùng đắn đo hơn khi lựa chọn thiết bị từ hãng nào vì sự hỗ trợ nhanh chóng và lâu dài mà hãng mang lại. Sau 5 tháng kể từ khi Android Pie ra mắt, liệu dự án Project Treble được thành lập từ 2 năm trước với cam kết triển khai các bản cập nhật đến người dùng sớm hơn bao giờ hết có thực sự hữu dụng?
Theo Android Authority, biểu đồ trên biểu thị khoản thời gian kể từ khi Google tung ra bản cập nhật Android mới cho đến khi các hãng phát hành đến người dùng trên toàn cầu. Đa số các thiết bị được khảo sát đều là những dòng flagship chủ lực: Samsung Galaxy S, Huawei P, LG G,...
Trung bình, Android 7 Nougat mất khoảng 192 ngày để có thể đến tay người dùng, trong khi Android 8 Oreo nhanh hơn một chút với 170 ngày. Đến Android 9 Pie, khoảng thời gian ấy đã bất ngờ được rút ngắn với chỉ 118 ngày. Đây được xem là một bước tiến đáng kể, mặc cho hai nhà sản xuất LG và HTC vẫn chưa phát hành Android Pie cho những thiết bị cao cấp của họ.
Huawei, Samsung và Xiaomi đã tăng tốc đáng kể khi kịp phát hành hệ điều hành Android mới nhất cho các flagship trước cuối năm 2018. Trong khi đó, Sony và OnePlus đã bỏ xa các đối thủ còn lại, vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng. Thất vọng thay, Motorola đã dần mất đi phong độ và về chót với khoảng 157 ngày.
Lưu ý là biểu đồ trên không đề cập đến thời gian các hãng cập nhật cho thiết bị cũ cũng như thiết bị tầm trung. Và tất nhiên, cả hai loại này đều không thể nhận được bản cập nhật mới nhanh như flagship. Nhưng nhìn chung, với sự ra mắt của Android Pie, mọi thứ đã dần khả quan hơn.
Phần lớn là nhờ Project Treble và Android One
Project Treble đã giúp các nhà sản xuất lớn cập nhật Android Oreo cho thiết bị của họ nhanh hơn nhiều so với trước đây. Trong khi, Android One đã phần nào giúp không ít người dùng phổ thông có thể lên đời Android mới nhanh hơn.
So với Android Nougat, ba hãng Samsung, Huawei và Xiaomi đã cắt giảm gần một nữa thời gian cập nhật Android Pie. Cả ba nhà sản xuất đã nhanh chóng phát hành cho các flagship ngay trước năm 2019. Trong khi những năm về trước, họ luôn trì hoãn việc cập nhật cho đến cuối quý 1 hoặc quý 2 năm sau.
Samsung Galaxy S9, Huawei P20 Pro và Xiaomi Mi 8 hiện đang có rất nhiều người sử dụng nên việc được cập nhật Android Pie chính là tin vui cho người dùng. Tuy không phải thiết bị nào của các hãng cũng được lên phiên bản 9.0 này nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng trong tương lai, quá trình cập nhật hệ điều hành mới sẽ được rút ngắn.
Nhờ dự án Android One, smartphone giá rẻ giờ đây đã có thể được cập nhật xuyên suốt trong vòng 2 năm, có thể kể đến như Xiaomi và Nokia. Điều thú vị là LG G7 One đã được lên Android 9.0 Pie trong khi nguyên mẫu G7 ThinQ vẫn chưa. Tương tự, HTC U11 Life có Android Pie trước cả U12 Plus.
Không giống như những smartphone Samsung và của các hãng khác, những thiết bị chạy Android One không được tích hợp nhiều ứng dụng và phần mềm nặng nề khiến quá trình cập nhật diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Kết hợp với Project Treble, mọi thứ thật đơn giản và nhanh chóng khi mà các nhà sản xuất có thể lấy bản cập nhật từ phía Google và áp trực tiếp vào máy mà không cần viết lại mã phần cứng.
Vẫn còn nhiều việc phải giải quyết
Lượng lớn máy được cập nhật Android Pie chính là dấu hiệu khả quan cho thấy những nỗ lực của Google gầy dựng đã có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự khác biệt giữa các nhà sản xuất có quá trình cập nhật nhanh nhất và chậm nhất nên hy vọng trong tương lai chúng sẽ được giảm bớt.
Hãy cùng chờ xem liệu rằng Project Treble có xóa bỏ được hiện tượng phân mảnh của Android như hiện nay, cũng như những thiết bị tầm trung vừa được ra mắt trong năm 2018 mà không thuộc Android One có tiếp tục nhận được bản cập nhật mới hay không nhé!
Theo Vn review