iPhone nổi tiếng về độ bảo mật, và càng được biết đến nhiều hơn khi FBI phải cầu cạnh Apple để mở chiếc iPhone 5C trong vụ thảm sát ở San Bernardino và đã bị Apple cự tuyệt, nhưng có lẽ thời hoàng kim này của iPhone sắp sửa bị lung lay khi mới đây bộ trưởng viễn thông và công nghệ thông tin của Ấn Độ cho biết quốc gia này đã có công nghệ có thể phá mã các loại điện thoại thông minh, trong số này tất nhiên là cả iPhone cũng không thuộc ngoại lệ.
Thông tin được ông Ravi Shankar Prasad, bộ trưởng Bộ viễn thông và công nghệ thông tin của Ấn Độ, cho biết hồi cuối tuần vừa qua và được tờ New Indian Express dẫn lại. Tuy nhiên, ông Prasad từ chối tiết lộ cách thức hoạt động của công cụ phá mã mà chính phủ Ấn Độ đã phát triển được.
Như chúng ta đã biết, hồi đầu năm nay, công ty Apple và điện thoại iPhone đã nằm trong tâm điểm của công chúng khi cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nổ ra. Theo đó, chính phủ mà đại diện là FBI đề nghị công ty Apple hỗ trợ phá mã để truy cập vô chiếc điện thoại iPhone 5C đã bị khóa bởi một trong hai tên khủng bố gây ra vụ tấn công chết chóc khiến 14 người thiệt mạng ở San Bernardino, California. Tuy nhiên, công ty Apple đã cứng rắn cự tuyệt "lời đề nghị khiếm nhã" đến từ FBI, thậm chí khi họ đã phải đối mặt với lệnh từ tòa án. Nhưng rồi vụ việc cũng được thu dọn ổn thỏa vào cuối tháng ba sau khi FBI mua được một công cụ phá mã từ bên thứ ba (với giá được cho biết lên đến hơn 1 triệu USD).
Trước khi xảy ra vụ việc công ty Apple đối mặt với chính phủ thì hồi năm 2010, công ty BlackBerry cũng gặp rắc rối ở ngay chính Ấn Độ và nhiều quốc gia khác khi bị ép buộc phải giao ra mã truy cập vô kho dữ liệu đã được mã hóa bởi người dùng và đang lưu trữ trên các hệ thống máy chủ của BlackBerry. Nhưng cũng như công ty Apple mới đây, BlackBerry khẳng định họ không sở hữu các chìa khóa để mở mã, cho nên công ty này không thể cung cấp cách thức truy cập vô dữ liệu của người dùng cho phía chính quyền được.
Hiện công ty Apple chưa đưa ra bình luật nào sau tuyên bố từ Bộ viễn thông và công nghệ thông tin Ấn Độ.
Nguồn Cnet