AMD Ryzen 3 3300X – Đánh Giá Gaming Gear

AMD%2BRyzen%2B3%2B3300x.JPG

AMD Ryzen 3 3300X – Kể từ khi ra mắt vào đợt CES 2019, các CPU dòng Ryzen 3000 Series đã “chiếm lĩnh” hầu hết các bảng xếp hạng CPU bán chạy của các cửa hàng lớn trên thế giới với nhiều mẫu sản phẩm cạnh tranh mạnh mẽ các CPU của “đội xanh” trong phân khúc cao cấp, thậm chí sự ra mắt của các dòng sản phẩm Threadripper thế hệ thứ 3 đã “đánh bại” gần như hoàn toàn đối thủ trong phân khúc HEDT (High End Desktop) nhờ vào sức mạnh ấn tượng và mức giá hấp dẫn.
Thế nhưng trong suốt một thời gian dài, AMD gần như “bỏ rơi” người dùng tầm trung và phổ thông khi các bo mạch chủ dòng X570 quá đắt đỏ, còn mẫu APU tầm thấp AMD Ryzen 3 3200G hay thậm chí là AMD Ryzen 5 3400G mà Vietgame.asia từng giới thiệu đến bạn đọc đều chỉ là những bản nâng cấp nhẹ của các dòng APU đời cũ 2000 Series, chứ không được sản xuất với kiến trúc Zen 2 đời mới.

Mãi đến gần đây, hãng đã công bố mẫu CPU AMD Ryzen 3 3300X cùng với chipset B550 đời mới, mang các sản phẩm hiệu năng cao cùng rất nhiều công nghệ mới đến với người dùng phổ thông, một lần nữa tấn công mạnh vào phân khúc giàu tiềm năng với lượng người dùng đông đảo này.

Phiên bản CPU tầm “phổ thông” này có thực sự “ngon” cho các game thủ có túi tiền eo hẹp?
AMD RYZEN 3 3300X – THÔNG SỐ ẤN TƯỢNG CÙNG MỨC GIÁ “CẠNH TRANH”!
Phải nói rằng kiến trúc Zen 2 là một cuộc cách mạng trong làng công nghệ thế giới trong một vài năm gần đây, nó phá tung những mô hình “mẫu mực” mà Intel theo đuổi trong suốt nhiều năm liền bằng cách tăng hiệu năng xử lý trên mỗi xung nhịp, tăng số lượng nhân xử lý và thậm chí hỗ trợ rất nhiều những công nghệ tiên tiến hiện nay, đem đến tiện ích tốt hơn cho người dùng.
Thế nhưng sức mạnh tính toán và công nghệ “ngồn ngộn” lại đòi hỏi lại khá tốn kém cả về chi phí cho CPU, lẫn các bo mạch chủ sử dụng chipset X570 đắt đỏ, khiến cho không ít người dùng có túi tiền eo hẹp phải “ngậm ngùi” dùng tạm các mẫu sản phẩm đời cũ. Giờ đây, AMD Ryzen 3 3300X sẽ thỏa mãn được niềm “đam mê” công nghệ của bạn với một mức giá vô cùng hợp lý.
"kiến trúc Zen 2 là một cuộc cách mạng trong làng công nghệ thế giới trong một vài năm gần đây"

Theo những thông tin ban đầu mà AMD đã công bố, mặc dù chỉ là một CPU tầm phổ thông với mức giá khá “mềm”, thế nhưng mẫu vi xử lý này của hãng lại được chế tạo bằng công nghệ 7nm tiên tiến, sở hữu đến bốn nhân và 8 luồng xử lý, hoạt động ở xung nhịp 3.8GHz và sẵn sàng xung nhịp Boost cực đại lên đến 4.3GHz.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-1.jpg
Dễ thấy rằng chỉ với thông số kỹ thuật đơn giản này, mẫu CPU phổ thông đời mới của AMD “ăn đứt” đối thủ của nó hiện tại là các mẫu CPU Intel Core i3 9300 chỉ sở hữu 4 nhân/ 4 luồng với bộ nhớ đệm tối đa chỉ ở mức 8MB mà thôi. Thậm chí rất nhiều người còn đem mẫu CPU này so sánh với mẫu CPU Intel Core i7 7700K “đỉnh cao” của “đội xanh” chỉ một vài năm trước đây vốn vẫn còn được rất nhiều game thủ và người dùng cao cấp sử dụng trong các dàn máy chơi game của mình.

Đó là chưa kể mẫu AMD Ryzen 3 3300X hỗ trợ bộ nhớ kênh đôi tốc độ cao lên đến 3200MHz, hơn hẳn so với mức chỉ 2400MHz, và kết nối PCI Express 4.0 cho tốc độ cao gấp 2 lần phiên bản 3.0 trước đây, cho phép người dùng sử dụng các mẫu ổ cứng “siêu tốc” như AORUS NVMe Gen4 SSD hay các sản phẩm “tối tân” đang dần đổ bộ trên thị trường tận dụng được tốc độ siêu cao của kết nối này.

Tất nhiên là người dùng phải sở hữu một bộ bo mạch chủ hỗ trợ chuẩn kết nối này, và nếu như bạn cảm thấy các bo mạch chủ dùng chipset X570 vẫn quá đắt đỏ thì các sản phẩm sắp ra mắt sử dụng chipset B550 sẽ đem mức giá cho cả “combo” tân thời này xuống một mức khá hợp lý cho người dùng phổ thông.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-2.jpg
Đi kèm với CPU là một quạt tản nhiệt Wraith Stealth với thiết kế kiểu mới để có thể hoạt động êm ái hơn, giải nhiệt hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn rất các quạt tản nhiệt “tặng kèm” khá … èo uột thế hệ trước. Dù cho đây chỉ là mẫu quạt tản nhiệt cơ bản nhất của AMD hiện nay, nhưng cũng khá đủ dùng cho một CPU tầm phổ thông.

Nhìn chung, ở mức giá 3,2 triệu đồng mà hãng công bố, AMD Ryzen 3 3300X gần như là lựa chọn sáng giá nhất mà khó có sản phẩm đối thủ nào khác có thể so sánh được. Có chăng phải chờ đợi khi phiên bản thế hệ thứ 10 của dòng Core i3 “xuất trận”, mẫu CPU này họa may mới tìm được một đối thủ “xứng tầm”.

AMD RYZEN 3 3300X – SỨC MẠNH ĐÁNG GHI NHẬN!
Cấu hình thử nghiệm thực tế:

CPU: AMD Ryzen 3300X
Mainboard: Gigabyte B450 AORUS Pro
GPU: ASUS TUF RX 5700 8GB
RAM: 2x Geil Luce 8GB 2666MHz
SSD: Gigabyte 240GB

Bắt tay vào thử nghiệm thực tế với các trình thử nghiệm chấm điểm nổi tiếng hiện nay, so sánh AMD Ryzen 3 3300X cùng mẫu CPU dòng cao đời trước của Intel là Core i7 8700, có thể thấy khá nhiều vấn đề từ kết quả thu được.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-3.jpg

Ở phép thử GeekBench Single Core, mẫu CPU của AMD có mức điểm 1197, nhỉnh hơn chút đỉnh so với sản phẩm tham chiếu của Intel ở mức 1171, nhưng với ưu thế nhiều nhân thực (6 nhân so với 4 nhân), sản phẩm của “đội xanh” vượt hơn gần 900 điểm.

Ưu thế này cũng thể hiện rõ nét trong các thử nghiệm “chuyên game” như 3D Mark Time Spy3D Mark Fire Strike, nhất là trong các thử nghiệm đặt nặng sức mạnh của CPU như thử nghiệm vật lý, điều này cũng cho thấy ở các game cần nhiều sức mạnh CPU để xử lý các hiệu ứng này, phiên bản CPU phổ thông của chúng ta sẽ gặp phải những “thử thách” nhất định.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-4.jpg
Nhân vật không bị nhòe dù chuyển động nhanh với DyAc+

Thử nghiệm với một số game hiện hành, kết quả cho thấy điều tương tự. Rõ ràng nhất là với phép thử Far Cry 5 với nhiều hiệu ứng cháy nổ và sụp đổ, mẫu CPU đến 6 nhân 12 luồng của Intel tỏ ra hữu hiệu hơn đáng kể với mức chênh lệch lên đến gần 20% so với mẫu CPU “bình dân” của AMD.

Điều này cho thấy rằng quan niệm chỉ cần 4 nhân là đủ của các game thủ “gạo cội” đã không còn chính xác trên các game hiện đại, vốn cần CPU tham gia vào rất nhiều “công đoạn” tạo hiệu ứng nặng nề.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-5.jpg
Trong khi đó, với những game đặt trọng tâm nặng về phía card đồ họa như Gears 5 hay Shadow of the Tomb Raider, thì mức chênh lệch của hai mẫu CPU là không đáng kể, điều này cho thấy AMD Ryzen 3 3300X dù nằm ở phân khúc bình dân nhưng vẫn rất mạnh mẽ khi chơi game, đủ sức chạy cùng các card màn hình mạnh mẽ để “cân” hết các game nặng trên thị trường hiện nay.
amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-8.jpg
Mặc dù vậy, hiện tại AMD vẫn chỉ xếp mẫu CPU “bình dân” này dành cho các phòng máy Internet Cafe cấp thấp hay cho các game thủ chơi các game thể thao điện tử với cấu hình nhẹ thông thường.

Theo ý kiến riêng của người viết, game thủ vẫn có thể sử dụng mẫu CPU này cho các cỗ PC tầm trung để chơi game offline “nặng” với các card đồ họa trung – cao cấp mà không gặp bất kỳ vấn đề gì lớn, tiết kiệm được kha khá tiền cho những linh kiện khác quan trọng hơn với game (như card màn hình chẳng hạn), từ đó đem lại một cỗ máy PC mạnh mẽ nhưng vẫn có mức giá vừa phải, phù hợp cho các game thủ có túi tiền eo hẹp.

amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-7.jpg

Về mặt sức mạnh, có thể nói AMD Ryzen 3 3300X khá “bá đạo” trong phân khúc CPU phổ thông, với đầy đủ những công nghệ mới mẻ cùng sức mạnh vượt trội so với các sản phẩm đến từ đối thủ, đủ sức đóng vai trò “trái tim” cho các cỗ máy PC chơi game tầm trung “chiến” được tất cả các game nặng trên thị trường hiện nay.

amd-ryzen-3-3300x-danh-gia-gaming-gear-9.jpg


HIỆN TƯỢNG NGHẼN CỔ CHAI NHẸ VỚI CÁC CARD ĐỒ HỌA MẠNH!
Là một CPU bậc phổ thông, dù sở hữu sức mạnh rất tốt trong phân khúc, nhưng không thể nào AMD Ryzen 3 3300X tránh khỏi hiện tượng nghẽn cổ chai (bottleneck) với các card đồ họa mạnh.

Khi thử nghiệm với card đồ họa ASUS TUF RX 5700 cùng game Assasin’s Creed Odyssey, người viết nhận ra rằng có một vài phân đoạn CPU đã không thể đáp ứng kịp tốc độ xử lý của card đồ họa, gây hiện tượng tụt khung hình nhẹ trong phân đoạn, điều này kéo mức tốc độ tối thiểu và tốc độ trung bình của cả hệ thống xuống mức thấp hơn so với khi thử nghiệm trên Intel Core i7 8700 dù phần lớn thời gian mức tốc độ khung hình cả hai đều khá tương đương.

Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với game Shadow of The Tomb Raider, nhưng ở mức nhẹ hơn khá nhiều do tốc độ trung bình game vẫn ở mức khá cao.

Dù vậy, vấn đề này không quá quan trọng nếu bạn chỉ sử dụng các card màn hình tầm trung cao cấp như Gigabyte RX 5600 XT Gaming OC 6G mà thôi. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế của các game thủ có túi tiền eo hẹp hiện nay. Nếu muốn “thử sức” với các card đồ họa cao cấp hơn, hãy chọn dòng sản phẩm Ryzen 5 để có thể “thỏa sức tung hoành”.

"dù sở hữu sức mạnh rất tốt trong phân khúc, nhưng không thể nào AMD Ryzen 3 3300X tránh khỏi hiện tượng nghẽn cổ chai (bottleneck) với các card đồ họa mạnh"

Nguồn: Vietgameasia
 
Bên trên