Có lẽ CEO NVIDIA phản ứng hơi thái quá, nhưng ông lo lắng cũng đúng thôi. Dựa trên những kết quả thử nghiệm hiệu năng tại CES vừa qua, Radeono VII thực sự đánh bại RTX 2080 trong các tác vụ biên tập video và hoạt họa 3D. Nó còn cho RTX 2080 "hít khói" khi chơi game Strange Brigade hay một số tựa khác, đặc biệt ở độ phân giải 4K.
Trong khi NVIDIA vẫn chỉ ứng dụng công nghệ 12nm cho series RTX, thì AMD đã sản xuất Radeon VII với thiết kế 7nm. Thay vì chỉ trích hiệu năng của đối thủ, NVIDIA tập trung tấn công AMD ở những tính năng vốn... độc quyền bởi NVIDIA, như ray tracing, G-SYNC, và khử răng cưa DLSS bằng AI. Tuy nhiên, đó lại là những tính năng chưa thực sự chứng tỏ được sự hữu dụng với các game thủ, và cũng chẳng giúp ích gì mấy đối với những nhà thiết kế, biên tập hình ảnh, video. Nếu ray tracing không thể trở nên phổ biến, và AMD tiếp tục cải tiến mạnh mẽ thiết kế chip, NVIDIA có thể sẽ phải đối mặt với nhiều năm khó khăn phía trước.
NVIDIA vẫn thống trị
NVIDIA vẫn thống trị mảng đồ họa PC, và hiệu năng các card đồ họa của hãng tại CES 2019 cho thấy điều đó rất rõ rệt. Hãng sẽ tiếp tục nắm trong tay thị trường laptop chơi game trong năm nay với những thiết kế RTX Max-Q hoàn toàn mới, trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất PC giới thiệu những thiết bị nhanh, nhẹ, dựa trên GPU này. NVIDIA đã tìm cách thu nhỏ những con chip của họ đến mức có thể đặt GPU GeForce RTX 2080 Max-Q vào một chiếc laptop nặng chỉ 2kg - một thành tích ấn tượng.
Trong bài phát biểu của mình, Huang dành nhiều thời gian nói về ray tracing hơn Max-Q. Đầu tiên, ông trình chiếu một vài đoạn phim ứng dụng ray-tracing và cho thấy công nghệ này đã cải thiện những game như Atomic Heart như thế nào. Sau đó, ông phô trương về công nghệ khử răng cưa DLSS bằng AI của hãng khi chạy ở độ phân giải 1440p nhằm làm những điểm ảnh trở nên mượt mà hơn, cùng với một đoạn demo tán xạ ánh sáng trong Justice.
Sau khi vén màn dòng GeForce RTX 2060 tầm trung với mức giá không thực sự rẻ, 345 USD, NVIDIA tiếp tục nói về G-SYNC, công bố rằng họ đang thử nghiệm và chứng nhận một loạt các màn hình vốn được trang bị công nghệ FreeSync của AMD. Trong số hàng trăm màn hình được thử nghiệm, Huang cho biết, chỉ có khoảng một tá được chứng nhận, nhưng ông không dừng lại ở đó. "Như bạn biết, chúng tôi đã phát minh ra adaptive sync. Sự thật là hầu hết các màn hình FreeSync chẳng được tích sự gì. Chúng thậm chí còn không hoạt động với card đồ họa của AMD nữa".
Tuy nhiên, những nhận định của người dùng và các chuyên gia về ray tracing của RTX là khá trái chiều. Một bản vá mới đây dành cho Battlefield V đã giúp chấm dứt hiện tượng giật hình và một số vấn đề khác, nhưng tốc độ khung hình vẫn chỉ bằng một nửa so với khi tắt ray tracing. DLSS là một tính năng khác giúp game trông đẹp hơn nhưng cũng làm giảm hiệu năng. Kết quả khi kích hoạt DLSS có thể đẹp, nhưng các công ty game sẽ phải tốn thêm công sức để tích hợp cả hai loại công nghệ dù biết rằng nó sẽ không hoạt động được trên card AMD.
Huang nói rằng công nghệ FreeSync gặp vấn đề ngay cả trên những màn hình FreeSync, nhưng trải nghiệm người dùng không cho thấy như vậy. G-SYNC hoạt động tốt hơn, đặc biệt là ở gần mức giới hạn thấp hơn của tần số làm tươi đã được chứng nhận của một màn hình, theo lời nhiều game thủ và chuyên gia đánh giá. Tuy nhiên, họ cảm thấy nó không đáng với khoản tiền ngất ngưởng bạn phải trả cho công nghệ vốn phải được tích hợp trực tiếp vào màn hình này của NVIDIA. Đó là một cách để NVIDIA khóa chặt người dùng vào hệ sinh thái của họ, từ đó tự cho mình quyền nâng giá sản phẩm bán ra (cả hai công ty mới đây đều đã giới thiệu hai tiêu chuẩn mới, AMD là FreeSync 2 và NVIDIA là G-SYNC Ultimate).
Cuối cùng, bạn cần biết rằng NVIDIA bán một lượng lớn GPU cho những người dùng máy trạm để biên tập video, hoạt họa 3D và đồ họa. Dù hãng quảng cáo những con chip mới nhất có thể biên tập video 8K thời gian thực, công nghệ ray tracing và DLSS vẫn chưa mang lại lợi ích thực sự nào cho các nhà sản xuất nội dung.
AMD phản ứng với GPU 7nm
AMD khẳng định hiệu năng đồ họa của Radeon VII ngang ngửa với RTX 2080, vượt trội hơn ở một số điểm và yếu hơn ở một số điểm khác. Hơn thế nữa, AMD đã chứng minh rằng GPU của họ đánh bại NVIDIA khi biên tập video 8K và thực hiện các tác vụ chỉnh sửa màu sắc hoặc tương tự.
Tuy nhiên, mọi thứ chúng ta thấy được từ AMD tại CES 2019 liên quan đến laptop chơi game là những chiếc laptop TUF của ASUS, với CPU Ryzen 5 và card đồ họa rời Radeon RX 560. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu tung ra nhiều GPU di động hơn, nhưng cho tới lúc đó, các laptop chơi game khác trên thị trường sẽ vẫn sử dụng NVIDIA.
Radeon VII không có những công nghệ như AI và ray tracing như đối thủ NVIDIA. Dù chúng không ảnh hưởng nhiều đến game thủ ngay lúc này, AMD biết rằng chúng sẽ trở thành những tính năng quan trọng trong tương lai. Ray tracing "đang được phát triển mạnh, và nó được phát triển đồng thời trên cả phần cứng lẫn phần mềm. Người tiêu dùng không thấy nhiều lợi ích lúc này, bởi những phần khác của hệ sinh thái vẫn chưa sẵn sàng" - CEO AMD Lisa Su phát biểu.
Điều này có ý nghĩa gì với game thủ?
Quả là thú vị khi thấy AMD một lần thực sự đi trước NVIDIA với công nghệ chip 7nm của mình, ít nhất là về mặt mật độ bóng bán dẫn. Xét việc NVIDIA đang đẩy mạnh giá RTX so với GTX thế hệ trước (RTX 2060 có giá khởi điểm 345 USD, trong khi GTX 1060 có giá khởi điểm thấp hơn 100 USD), bất kỳ thứ gì có thể buộc họ phải cạnh tranh (và qua đó hạ giá sản phẩm) đều là điều tốt.
Xét về sức mạnh xử lý đơn thuần, Radeon VII có vẻ là một đối thủ cân tài cân sức với RTX 2080. Nhiều game thủ sẽ thích bỏ thêm 100 USD sắm RTX để sở hữu những tính năng như ray tracing và khử răng cưa hiệu suất cao. Nếu card AMD chiếm mất doanh số, NVIDIA vẫn có thể giảm giá, và khi cuộc chiến về giá xảy ra giữa hai công ty, người mua chính là những người đứng giữa hưởng lợi. AMD khả năng cao sẽ không dẫn trước được lâu trong cuộc đua nanomet, khi mà NVIDIA được cho là sẽ sớm chuyển sang quy trình 7nm (chip của cả hai công ty đều được sản xuất bởi TSMC).
Tuy nhiên, vấn đề là thị trường đang bắt đầu bị phân mảnh. Trong nỗ lực nhằm nắm chắc hơn nữa ngôi vương, NVIDIA đã tập trung mạnh hơn vào các tính năng độc quyền như ray tracing, DLSS và G-SYNC. Trong lúc đó, hãng lại bỏ bê những tính năng mà AMD có thể cạnh tranh trực tiếp, như TFLOPS và băng thông bộ nhớ cao hơn. Tính năng ray tracing của riêng AMD một khi xuất hiện cũng sẽ chỉ giới hạn cho các card của hãng. Có nghĩa là cả người tiêu dùng lẫn các nhà thiết kế game sẽ buộc phải chọn giữa một trong hai hệ sinh thái.
Cả hai công ty đang cạnh tranh để giành lấy một phần nhỏ của miếng bánh card đồ họa khi mà thị trường tiền mã hóa đang dần sụp đổ. Game thủ PC vẫn cảm thấy sức nóng của thời đại Bitcoin, vốn khiến giá card đồ họa tăng phi mã. Cả hai công ty, đặc biệt là kẻ dẫn đầu thị trường NVIDIA, lúc này nên trải thảm đỏ để lôi kéo người tiêu dùng trở lại. Thế nhưng, một thời đại mới với ray tracing và AI có lẽ còn khiến mọi người cảm thấy rắc rối hơn bao giờ hết.
Theo Vn review