Theo Bloomberg, nhiều chủ nợ tập trung vào thị trường tiền mã hóa ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ từ những người cần vay tiền nhưng không muốn bán tài sản mã hóa họ có với giá thấp, và từ những nhà đầu tư lớn nóng lòng mượn tiền mã hóa để bán khống.
Thực tế này giúp các cơ sở cho vay ”sống khỏe” vì vừa giúp nhóm người tin tưởng vào tương lai tiền mã hóa có tiền chi cho cuộc sống hằng ngày, vừa cho phép những người không tin vào tương lai tiền mã hóa cơ hội cược rằng chúng rớt giá sâu.
Đơn cử, BlockFi cho biết doanh thu và cơ sở khách hàng của hãng tăng 10 lần từ tháng 6, thời điểm được Galaxy Digital Ventures của nhà quản lý quỹ Michael Novogratz rót vốn 52,5 triệu USD. Aave, hãng sở hữu thị trường cho vay tiền mã hóa ETHLend, vừa mở văn phòng ở London, Anh, dự định bước vào Mỹ và hiện làm ăn gần có lãi. Salt Lending thì có 80 nhân viên nhưng cho biết vẫn thuê thêm người hằng tháng vì doanh thu lên cao.
Hầu hết bên cho vay trong ngành tiền mã hóa mở cửa năm 2017. Ban đầu, doanh nghiệp cung cấp cho nhóm ủng hộ tiền mã hóa một cách để vay tiền thật mà không phải bán hết số bitcoin hoặc các đồng ảo khác - khoản đầu tư mà họ cho rằng sẽ tăng giá. Khi giá cả thị trường lao dốc năm 2018, doanh nghiệp quay sang vai trò mới là phục vụ nhà bán khống, tiếp tục kiếm lời.
"Thị trường giảm điểm chắc chắn có hỗ trợ, ít nhất là thúc đẩy tăng trưởng”, ông Michael Moro, giám đốc điều hành Genesis Capital, cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Genesis ra mắt vào tháng 3 với mục tiêu cho nhà đầu tư tổ chức vay tiền mã hóa bằng cách ký gửi USD. Đến nay, hãng cho vay 700 triệu USD, đang có khoảng 140 triệu USD dư nợ cho vay với thời gian trung bình là sáu tuần. Hãng có kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên trong năm tới lên 12 người và kỳ vọng phát triển hoạt động ở những khu vực như châu Á.
"Chúng tôi lời từ ngày đầu tiên. Chúng tôi thể hiện rằng có nhu cầu thị trường, rằng sản phẩm phù hợp và đây là thời điểm để đầu tư thêm vào lĩnh vực kinh doanh này”, ông Moro nói. Genesis thường yêu cầu khách hàng gửi từ 1,2 triệu USD tiền thật để lấy 1 triệu USD tiền mã hóa. Hãng tính lãi suất thường niên 10-12% với người vay bitcoin.
Các bên chấp nhận tiền mã hóa làm tài sản thế chấp để cho vay tiền thật thường đòi hỏi bộ đệm lớn hơn nhiều để bảo đảm rằng bản thân không chật vật trong trường hợp giá giảm sâu. BlockFi thường yêu cầu khách hàng gửi 10.000 USD giá trị tiền mã hóa để nhận 5.000 USD tiền thật, CEO BlockFi Zac Prince cho hay.
Khi tài sản thế chấp giảm giá trị, khách hàng đối mặt với yêu cầu bảo chứng. Việc này thường bắt đầu bằng cảnh báo rằng tài sản thế chấp của họ sớm mất giá. Tại BlockFi, yêu cầu bảo chứng khởi phát nếu giá tài sản mã hóa thế chấp giảm từ 35-60% từ thời điểm khoản vay được cấp. Khoảng 20% khoản cho vay của các startup như BlockFi đối mặt yêu cầu bảo chứng năm ngoái. Nhiều người đi vay thêm tài sản thế chấp khi nhận được cảnh báo.
"Chúng tôi chưa bao giờ mất tiền gốc. Đây là kiểu cho vay rủi ro thấp, giả sử bạn có thể quản lý thanh khoản và theo dõi biến động”, ông Prince nói. Lãi suất cho vay của BlockFi bắt đầu ở mức 7,9%.
Tuy nhiên, các chủ nợ không hoàn toàn miễn nhiễm với sự thiếu chắc chắn, vốn rất phổ biến ở thị trường tiền mã hóa. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đang xem kỹ hoạt động gọi vốn theo hình thức ICO của Salt và xét xem liệu đồng mã hóa mà hãng cung cấp cho nhà đầu tư có phải là chứng khoán chưa đăng ký hay không, theo The Wall Street Journal.
Bất chấp tương lai ra sao, hiện không ít chủ nợ vẫn lên kế hoạch cung ứng nhiều sản phẩm tín dụng hơn, trong đó có tài khoản tiết kiệm cho lãi bitcoin và thẻ khách hàng thân thiết để nhận tiền mã hóa. ETHLend nỗ lực cung ứng công nghệ tới các hãng cho vay khác ở Thụy Sĩ và Úc để có thể nhận thế chấp bằng tiền mã hóa.
”Mọi thứ bay cao trong thị trường lên giá, song phép màu thực sự hiện diện ở thị trường giảm giá. Mô hình cho vay bằng tiền mã hóa là một trong những hoạt động kinh doanh hiếm hoi như thế”, CEO Aave Stani Kulechov chia sẻ.
Theo Thanh Niên