songoku9x
Well-Known Member
Ngày nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm cho mình những chiếc máy tính để bàn hay máy tính xách tay có cấu hình tốt và giá cả cũng rất dễ chịu, thậm chí nếu bạn có túi tiền dư dả thì việc mua từng linh kiện và sau đó ráp thành một "cỗ máy" có sức mạnh cao hơn thì lại càng tuyệt vời hơn nữa. Tuy nhiên, mặc dù người dùng sở hữu một chip xử lý tốc độ cao, một lượng RAM lớn, card đồ họa thuộc hàng "khủng", ổ cứng với dung lượng lên đến Terabyte nhưng máy vẫn cho tốc độ khởi động chậm và chạy các ứng dụng một cách ì ạch, nguyên nhân dẫn đến đa phần đều xuất phát từ việc người dùng sử dụng loại ổ cứng HDD thông thường. Chính vì điều đó, việc lựa chọn sử dụng ổ SSD thay thế HDD là sự nâng cấp vô cùng sáng giá cho chiếc máy tính của người dùng, bởi nó có kích thước nhỏ gọn hơn nhưng tốc độ truy xuất dữ liệu lại nhanh hơn, cũng như không có cơ chế hoạt động cơ để tránh việc hoạt động bị sai lệch. Vì vậy, bài viết này sẽ nói sơ lược về cơ chế hoạt động cũng như các biện pháp bảo vệ ổ SSD của người dùng sao cho hoạt động lâu dài và bền bỉ nhất.
Tuổi thọ của ổ cứng SSD kéo dài được bao lâu?
SSD (viết tắt của từ Solid-State Drive) là loại ổ cứng không sử dụng phiến đĩa cũng như trên ổ cứng HDD mà dữ liệu sẽ được lưu trữ trong các chip flash giống như trên các bút nhớ USB chẳng hạn nên tốc độ truy xuất dữ liệu cao hơn, chạy êm hơn và bền hơn. Ngoài ra, ổ SSD không có cơ chế hoạt động cơ bên trong và việc ghi hay xóa dữ liệu sẽ được thực hiện bằng phương pháp điện tử nên dù ổ cứng SSD có bị phân mảnh dữ liệu giống trên HDD thì điều này cũng không ảnh hưởng tới tốc độ truy xuất dữ liệu. Mặc dù nhược điểm của loại ổ cứng SSD là chỉ có thể được ghi với một số lần giới hạn trước khi nó giảm khả năng hoạt động nhưng với công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì giới hạn đó đã và đang được mở rộng ra hơn cũng như độ bền càng tăng lên. Công thức chung dùng để tính tuổi thọ ổ lưu trữ bằng việc lấy dung lượng của ổ cứng nhân với tỷ lệ chịu ghi, chia cho số lần ghi trung bình hàng ngày. Ví dụ, một ổ SSD có dung lượng 120GB và có tỷ lệ chịu ghi là 3.000 chu kỳ, nếu người dùng ghi dữ liệu lên ổ cứng khoảng 50GB mỗi ngày thì tổng số ngày ổ cứng có thể sử dụng được trước khi nó giảm khả năng hoạt động: (120 x 3.000)/50 = 7.200 ngày, nghĩa là khoảng 20 năm. Nếu người dùng ghi trung bình khoảng 100GB mỗi ngày, ổ cứng sẽ sử dụng được khoảng 10 năm. Dù sao, người dùng ngoài việc hiểu rõ khả năng hoạt động của ổ cứng SSD thì cũng cần phải biết những phương pháp nhằm hạn chế những rủi ro cũng như kéo dài tuổi thọ sử dụng của sản phẩm được lâu hơn.
HDD (trái) và SSD (phải)
1. Tránh vượt mức về nhiệt độ
Các nhà sản xuất ổ cứng SSD đều có những mức chịu đựng nhiệt độ cho sản phẩm phẩm của mình khác nhau, chẳng hạn như ổ cứng HyperX 3K SSD MLC có một phạm vi nhiệt độ hoạt động từ 0º tới 70ºC (32º đến 158º F), trong khi với ổ cứng HDD Western Digital Black có mức dao động từ 5º đến 55ºC (41º đến 131º F). Về khả năng chịu nhiệt thì với ổ cứng SSD HyperX có mức chấp nhận được là -40º đến 85º C (-40º đến 185º F) trong khi với HDD Western Digital Black là khoảng -40º đến 70ºC (-40º đến 158º F). Điều này cho thấy ổ cứng SSD nói chung có thể chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt ở một mức độ nhất định nào đó tùy theo nhà sản xuất mà vẫn có thể hoạt động một cách ổn định.
Tuy nhiên, không phải vì ổ cứng SSD có thể chịu nhiệt mà không quan tâm đến bởi yếu tố nhiệt độ cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lưu trữ dữ liệu bên trong ổ cứng. Với những đối tượng người dùng thông thường thì có thể bỏ qua yếu tố này, tuy nhiên với đối tượng là doanh nhân các nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế luôn lưu trữ rất nhiều dữ liệu trong một thời gian dài thì việc để chiếc ổ SSD bị nóng khi không sử dụng thì vẫn có thể làm giảm khả năng lưu trữ dữ liệu bên trong.
2. Tránh ngắt điện đột ngột
Việc người dùng ngắt điện đột ngột trong quá trình sử dụng hay do vấn đề khách quan như cúp điện thì không chỉ riêng về ổ cứng SSD mà bất kỳ bộ phận nào bên trong máy tính cũng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến hư hỏng. Chẳng hạn như, khi người dùng đang tiến hành ghi dữ liệu vào ổ cứng và bất ngờ ngắt điện đột ngột thì trường hợp thấp nhất là dữ liệu đó sẽ hoàn toàn bị mất, và trường hợp tồi tệ hơn sẽ mất toàn bộ dữ liệu lưu trữ bên trong ổ cứng. Vậy làm thế nào để người dùng có thể ngăn chặn cũng như hạn chế vấn đề ngắt điện đột ngột này cho ổ cứng SSD? Một nguồn cung cấp điện liên tục hay còn gọi cái tên khác là bộ lưu trữ điện (UPS) là giải pháp đơn giản nhất và dễ dàng nhất, khi bạn sử dụng với bộ lưu trữ điện UPS thì khi có trường hợp ngắt điện đột ngột xảy ra, nguồn điện từ bộ lưu trữ UPS sẽ tiếp tục cung cấp và duy trì mức năng lượng điện để người dùng có thể sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định tùy theo bộ lưu trữ điện cho phép.
3. Luôn giữ một dung lượng trống nhất định bên trong ổ cứng
Mặc dù chu kỳ đọc/ghi trên ổ cứng SSD rất hiếm khi xảy ra vấn đề hư hỏng, tuy nhiên việc tạo một khoảng trống dung lượng lưu trữ bên trong sẽ giúp cho ổ cứng của người dùng hoạt động tốt hơn. Lý do do việc này là các ổ cứng SSD được trang bị công nghệ sắp xếp dữ liệu phân bố đều gọi là wear-leveling (cân bằng hao mòn) nhằm đảm bảo ghi dữ liệu lên tất cả các ô nhớ trong ổ cứng, trước khi ghi lại lên một ô nhớ bất kỳ. Nhờ đó, không có ô nhớ nào bị ghi quá nhiều trong khi một số ô nhớ hầu như chịu ghi rất ít. Chỉ có một vấn đề đối với công nghệ này là chỉ có thể được sử dụng trên các ô nhớ trống, nếu một ô nhớ trong ổ đĩa của người dùng đang được sử dụng để lưu trữ dữ liệu lâu dài, các trình điều khiển buộc phải tái sử dụng các ô nhớ khác khi nó cần nhiều không gian hơn, làm tăng chu kỳ đọc-ghi trên những ô nhớ nhanh hơn. Để giải quyết vấn đề, người dùng nên xóa bỏ các tập tin không cần thiết hay không sử dụng nữa trên máy tính, hoặc di chuyển dữ liệu vào một ổ cứng gắn ngoài khác để kéo dài khả năng lưu trữ.
Kết
Tuy giá thành của các ổ cứng SSD trên thị trường hiện nay không còn đắt so với những năm trước, cũng như chất lượng và công nghệ được trang bị bên trong ngày càng nhiều nhằm nâng cao khả năng hoạt động của sản phẩm, tuy nhiên người dùng vẫn nên bảo vệ chiếc ổng cứng của mình đúng cách để có thể tận dụng tối đa hiệu suất hoạt động cũng như kéo dài tuổi thọ của sản phẩm được lâu hơn và bền bỉ hơn nếu không muốn dữ liệu của mình tự nhiên không cánh mà bay.