(Ảnh: techspot.com)
Chúng ta đã bước sang năm 2015, đây có lẽ là lúc chúng ta thả sức tưởng tượng đưa ra ít dự đoán cho ngành công nghiệp di động năm nay. Liệu chúng ta sẽ được chứng kiến những đột phá thú vị hay là chứng nhân cho một thất bát thảm hại nào đó? Chỉ thời gian sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Nhưng dù vậy, không điều gì có thể ngăn cản trang techspot.com đưa ra 10 dự đoán về công nghệ di động của năm 2015 như sau.
Cảm biến sức khỏe ở mọi nơi
Các thiết bị theo dõi sức khỏe đang bùng nổ, và các công ty đã có tên tuổi như Fitbit, Jawbone, Samsung cùng nhiều công ty khác đang dốc tiền đầu tư vào cuộc đua điên rồ này. Do đó, trong năm 2015, hẳn sẽ có cả tấn thiết bị di động được ra mắt kèm theo các bộ phận phần cứng và cảm biến theo dõi sức khỏe được tích hợp sẵn. Người dùng có thể tin chắc rằng hãng điện tử dân dụng Samsung (Hàn Quốc) sẽ mang đến hai hoặc ba cảm biến sức khỏe cho sản phẩm Galaxy S6 chuẩn bị ra mắt, trong khi các nhà sản xuất khác thì đầu tư vào các cảm biến theo dõi mức năng lượng tiêu thụ, nhịp tim và các loại cảm biến mới như cảm biến theo dõi độ bão hòa của oxy trong máu (pulse oximeter) và cảm biến đo cường độ tia cực tím.
Với rất nhiều cảm biến được gắn thêm trên các smartphone và hiện diện trên cổ tay của chúng ta như vậy, hy vọng các nhà phát triển phần mềm sẽ có những sản phẩm xử lý dữ liệu theo các cách mới mẻ và thú vị hơn. Riêng tôi, tức người viết bài của trang techspot.com, thì mong đợi sẽ được thấy một số tính năng mới hơn nữa, chẳng hạn như cảm biến theo dõi nhiệt độ da hay cảm biến theo dõi mức đổ mồ hôi.
Quad HD và chạy đua 4K
Năm ngoái chúng ta đã thấy sự xuất hiện của màn hình có độ phân giải Quad HD (2560 x 1440) trên các thiết bị như Motorola Droid Turbo và Samsung Galaxy Note 4. Thì trong năm 2015 này, chúng ta có thể mong đợi công nghệ màn hình này sẽ trở thành một tiêu chuẩn dành cho hầu hết các sản phẩm "đinh" (flagship) sẽ ra mắt trong năm, đặc biệt là những thiết bị được trang bị màn hình lớn.
Tôi cũng mong đợi các màn hình có độ phân giải Ultra HD (4K) sẽ trở thành một tính năng dành cho các máy tính bảng thuộc phân khúc cao cấp và các thiết bị có thể hoán đổi được (kiểu lai giữa máy tính bảng và laptop), đặc biệt là những thiết bị có kích cỡ trong khoảng 10 inch đến 13 inch. Với việc các ti vi và màn hình 4K có giá bán đã rẻ hơn, và nội dung phù hợp với độ phân giải này cũng đã kha khá, nên sẽ không khiến tôi ngạc nhiên khi bắt gặp các thiết bị di động thuộc hàng flagship được trang bị màn hình 4K.
Chống rung quang học
Quay lại năm 2012, các smartphone hàng flagship như Lumia 920 của Nokia đã được trang bị tính năng chống rung quang học (OIS), qua đó giúp cải thiện chất lượng những tấm ảnh được chụp trong các môi trường thiếu sáng. Và giờ đây, thiết bị iPhone 6 Plus cũng đã được trang bị tính năng này, bên cạnh các flagship từ những hãng khác như LG G3 và Samsung Galaxy Note 4. Người dùng mong đợi tính năng này cũng sẽ trở thành tiêu chuẩn chính trong số những tính năng phải có ở các thiết bị smartphone cao cấp của năm 2015, nhất là khi các công ty đang không ngừng tìm kiếm giải pháp cải thiện chất lượng camera trên smartphone trong những điều kiện chụp với ánh sáng không được lý tưởng cho lắm.
Bên cạnh những cải tiến về kỹ thuật phần cứng của camera thì tôi cũng mong đợi sẽ có những cải thiện đối với phần mềm xử lý ảnh. Hiện nay, các công ty đã đạt một tỷ lệ hợp lý kích thước của cảm biến và độ phân giải ảnh, vì vậy chúng ta sẽ không thấy nhiều thay đổi lắm trong tương lai gần. Nhưng các tính năng phần mềm thú vị như chụp HDR tự động, mô phỏng bokeh, và quay video chuyển động chậm (slow motion video) đều sẽ mang đến nhiều niềm vui cho người dùng.
Tốc độ mạng LTE nhanh hơn nhiều
Ở Úc, nơi tôi sống, tốc độ mạng di động là 300 Mbps cho chiều tải về với chuẩn Category 6 LTE Advanced trong khi ở nhiều quốc gia khác thì đang dùng chuẩn Category 3 (100 Mbps). Nhưng tôi cho rằng tốc độ sẽ nhanh hơn vào năm 2015. Nhiều quốc gia ở châu Âu đang triển khai thử nghiệm chuẩn Category 9 LTE Advanced cho băng thông tải về lên đến 450 Mpbs. Nếu hãng Qualcomm có thể đưa ra thị trường các modem đạt chuẩn Cat.9 vào năm 2015, người dùng sẽ có thể tải các ứng dụng trên điện thoại nhanh hơn so với hầu hết các kết nối cố định ở nhà.
x86 sẽ lên ngôi
Trong khi kiến trúc ARM đang thống trị phần lớn trên smartphone, một trong những trận so găng lớn ở mảng công nghệ di động là x86 đấu với ARM, đặc biệt khi xét về lựa chọn kiến trúc nào có thể mang đến hiệu suất tốt vs. tuổi thọ của pin. Trong năm 2014 thì ARM nhận được nhiều ưu ái hơn, nhất là với các dòng vi xử lý cao cấp của Qualcomm, nhưng sang năm 2015 tôi có thể thấy cờ đang về tay x86.
Các vi xử lý dòng Broadwell của hãng Intel đang trở nên tiết kiệm năng lượng hơn dòng chip Haswell trong khi vẫn có được hiệu suất xử lý cao hơn một vi xử lý ARM cao cấp. Với chip Core M đang dẫn đầu cuộc chơi, và dòng Atom Cherry Trail chuẩn bị ra mắt thì tiết kiệm năng lượng là thế mạnh của kiến trúc x86. Bên cạnh đó, nền tảng Android vốn hỗ trợ mạnh x86 thông qua ART (Android Runtime) và Android 5.0, nên tôi cược là hầu hết các thiết bị máy tính bảng cao cấp nhất sẽ dùng vi xử lý dựa trên kiến trúc x86, cho dù là sản phẩm của Intel hay kể cả AMD.
Dù vậy, x86 chưa đủ sẵn sàng để bước vào thị trường smartphone. Intel tuy gần đây đã ra mắt các vi xử lý Moorefield và Merrifield dành cho smartphone nhưng được dựa trên lõi Silvermont, nên chúng chưa sẵn sàng cạnh tranh toàn diện được với những gì tốt nhất mà ARM thể hiện. Bạn đừng quá lo, Intel có thể mau chóng bước vào và thống lĩnh thị trường này.
Doanh số máy tính bảng giảm mạnh
Thời hoàng kim của máy tính bảng đã qua. Ít năm trước đây thì thiết bị này đã gây được cơn sốt tìm mua, nhưng nay khi nhiều người đã sở hữu một chiếc và họ không có ý định nâng cấp thiết bị hiện tại, thì thật khó có thể chứng kiến điều gì khác ngoài việc nhìn doanh số bán ra rớt mạnh. Bên cạnh việc thiếu những cải tiến mới mẻ và thú vị về mặt công nghệ, thì những thiết bị smartphone cao cấp với màn hình lớn ra mắt gần đây cộng với sự xuất hiện của các dòng laptop đa năng đã thật sự khiến mảng máy tính bảng lao đao.
Thay đổi về kích thước pin
Trong năm qua, nhiều công ty đã nhận ra rằng người dùng mong muốn tuổi thọ pin được cải thiện nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Trong khi các công nghệ cải thiện tuổi thọ pin chưa thể đưa vào áp dụng ngay lập tức, điều duy nhất để đảm bảo thời lượng sử dụng thiết bị được lâu hơn là có một cục pin lớn hơn. Trong năm 2015, chúng ta có thể thấy một sự đổi hướng từ việc chú trọng vào các thiết bị siêu mỏng thì nay các nhà sản xuất sẽ muốn đặt vào thiết bị của bạn các thỏi pin lớn hơn để đảm bảo số ngày sử dụng thiết bị trước khi phải sạc kéo dài hơn, và mọi người sẽ thấy vui mừng về điều này.
Năm của thanh toán thông qua giao tiếp NFC
Hầu hết các smartphone đều có tính năng NFC từ nhiều năm rồi, nhưng việc khai thác mục đích sử dụng cho hình thức giao tiếp tầm gần này chưa thật sự triệt để. Apple, dù vậy, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thông qua việc ký thỏa thuận với nhiều ngân hàng và cửa hàng bán lẻ để sử dụng hệ thống chi trả bằng hình thức NFC của họ, hay còn gọi là Apple Pay. Từ sự năng nổ của Apple, chúng ta có thể sẽ thấy các hệ thống khác cũng mở rộng hỗ trợ hình thức thanh toán với bất cứ thiết bị nào có chip NFC.
Hy vọng rằng năm 2015 sẽ là năm mà hình thức thanh toán di động trở thành chủ đạo và phổ biến rộng rãi.
Project Ara sẽ không được như kỳ vọng
Google dự kiến sẽ ra mắt smartphone lắp ráp, được biết đến với tên gọi Project Ara, trong năm nay. Với thế hệ smartphone này, người dùng có thể tùy ý lắp ráp hoặc thay đổi các thành phần sao cho phù hợp mục đích sử dụng nhất. Tuy vậy, tôi cho rằng đợt ra mắt đầu tiên sẽ không được như kỳ vọng, cả về mặt quảng cáo lẫn chất lượng đều thấp hơn so với những mẫu smartphone không thể lắp ghép hiện nay.
Việc có thể thay đổi các bộ phận phần cứng hẳn nhiên rất thú vị và không thể nghi ngờ gì điều này, nhưng sẽ gặp những hạn chế khi mới bắt đầu và quá đắt đỏ. Dù vậy, trải qua thế hệ thứ hai hoặc thứ ba thì mọi thứ sẽ có thể khác đi, còn đợt đầu sắp ra mắt thì chỉ như bản giới thiệu và thăm dò thị trường, và người dùng vẫn gắn với smartphone truyền thống hơn.
Tập trung vào các tính năng phần mềm
Tôi không cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đột phá thú vị về mặt phần cứng trong năm nay. Tất nhiên chúng ta sẽ có những nâng cấp về các kiến trúc vi xử lý (SoC) từ các hãng lớn (hầu hết là 64-bit), một số cải tiến về cảm biến camera và ống kính, và có lẽ là màn hình hiển thị tốt hơn. Tuy nhiên, các thiết bị cao cấp sẽ không thay đổi quá nhiều về mặt phần cứng như là với phần mềm, do đó năm 2015 có thể là năm mà các hãng sản xuất tăng gấp đôi sự chú ý vào việc phát triển các tính năng tốt nhất cho người dùng đầu cuối.
Tôi mong đợi Google Now sẽ có thể hiểu và xử lý các ngữ cảnh tốt hơn. Cho dù là cung cấp các dữ liệu theo dõi sức khỏe và tăng cường tích hợp với các thiết bị đeo thông minh, hay chức năng luôn ở trạng thái chờ như chúng ta đã thấy ở chế độ ra lệnh bằng giọng nói trên smartphone của Motorola, tích hợp sâu hơn với các dịch vụ, hoặc các ứng dụng mà đến lúc này chúng ta vẫn chưa thể tưởng tượng ra thì tôi mong đợi phần mềm sẽ trở nên tốt hơn.
Nguồn techspot.com